Trang chủ » Hoạt động công ty

Hội nghị tổng kết 5 năm (2018-2023) Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên

Ngày 22/7/2023, tại Trung tâm Hội nghị Gold Coast, đường Võ Nguyên Giáp, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 05 năm (2018 -2023) của Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực Miền Trung- Tây Nguyên.


Để chào mừng Hội nghị, trước đó ngày 21/7/2023 tại Trung tâm văn hóa thể thao xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Giải bóng đá Môi trường đô thị toàn quốc lần thứ II-2023, vòng loại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, với 11 đội tham dự, chia làm 4 bảng đấu và thi đấu trong 1 ngày.

Sau 1 ngày thi đấu quyết liệt, cống hiến, giải bóng đã tìm ra nhà Vô địch, đó là đội bóng của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi, đội bóng về Nhì là đội Ban quản lý các Công trình công cộng huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Hai đội đồng giải ba là: Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh và Công Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế.

Tới tham dự Hội nghị, có ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực miền Trung-Tây Nguyên; Ông Hồ Chí Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam; Ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Ông Phan Xuân Hảo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình; Lãnh đạo UBND thành phố Đồng Hới.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Trung- Tây Nguyên đầu nhiệm kỳ 2018- 2023 có 27 đơn vị thành viên; hiện nay số lượng hội viên là 36 đơn vị.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực miền Trung-Tây Nguyên phát biểu khai mạc.

Trong thời gian qua, Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Khu vực miền Trung- Tây Nguyên (Hội Khu vực) đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, giữa các đơn vị hội viên, tạo quan hệ, liên kết hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo ngành nghề cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là kết quả để đánh giá về nhiệm kỳ qua, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng ngày càng phát triển.

Các văn bản pháp luật về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng hoàn thiện và nâng cao. Từ đó đã thúc đẩy các hoạt động của Hội, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành môi trường đô thị, khu công nghiệp từng bước ổn định và phát triển.

tm-img-alt
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phát biểu

Để ngày càng hiện đại hóa, văn minh hơn, trong thời gian qua, Hội khu vực đã có nhiều đề án phân loại rác được phê duyệt và triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương như tại thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuộc, Lệ Thủy...

Ngoài ra, một số đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng những phương pháp xử lý mới, tiên tiến như công nghệ ủ rác làm phân compost, đốt rác... như Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hội An; Công ty Cổ phần Đô thị Bình Định. Công tác sản xuất phân compost chưa phù hợp với công suất thiết kế, khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Đà Nẵng đã tiến hành triển khai Dự án sản xuất phân bón lỏng Biomas từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông dân ở thành phố Đà Nẵng. Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam thực hiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi Biogas và sản xuất phân bón khoáng hữu cơ; hiện đang trong quá trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất phân compost.

tm-img-alt
Quang cảnh Hội nghị Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Song song với việc làm vệ sinh môi trường, công tác chăm lo đời sống người lao động cũng là một vấn đề mấu chốt quan trọng. Vậy nên, nhằm thực hiện có kết quả công tác chăm lo đời sống cho người lao động, các đơn vị Hội viên Hội viên Hội khu vực đã bảo đảm được việc làm và ổn định được đời sống của người lao động.

Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức Hội nghị người lao động, lấy ý kiến và thông qua người lao động về các quy định, quy chế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như: Quy chế quản lý tài chính và chi tiêu nội bộ, Quy chế dân chủ cơ sở, Quy chế trả lương, Quy chế thị đua- khen thưởng..

Cùng với đó, hàng tháng có chế độ bồi dưỡng độc hại, định kỳ khám sức khỏe cho người lao động, đảm bảo ít nhất 1 lần/năm, có đơn vị tổ chức 2 lần trong năm.

Trang bị bảo hộ lao động đúng và đủ theo đặc thù công việc, luôn cải tiếN về mẫu mã, nâng cao chất lượng để giảm thiểu tối đa mức độ tác động của ô nhiễm môi trường đến người lao động.

Xây dựng lại các định mức lao động hợp lý để làm căn cứ định mức công việc cho người lao động, đơn giá tiền lương được điều chỉnh kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo chế độ cho người lao động. Tiền lương bình quân của công nhân thuộc Hội Khu vực trên 5 triệu đồng/ người/tháng. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động như BHXH, BHYT, BHTN.

Người lao động có thành tích xuất sắc, có sáng kiến, có ý tưởng sáng tạo luôn được lãnh đạo đơn vị tiếp nhận và khen thưởng kịp thời. Đặc biệt, Hội khu vực đã thực hiện tốt việc tôn vinh người lao động qua hưởng ứng chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động.


Ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tặng cờ thi đua cho các đơn vị các thành tích xuất sắc

Tại Hội nghị ,ngoài những đánh gia về mặt tích cực của Hội, thì còn đó những hạn chế. Đó cũng như những bài học kinh nghiệm để Hội ngày càng đoàn kết, phát triển và vững mạnh hơn…

Mặc dù nhiệm kỳ 2018- 2023 có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và bão lụt xảy ra liên tiếp trên địa bàn nhưng Hội MTĐT & KCN khu vực miền Trung – Tây Nguyên về cơ bản đã đáp ứng tốt công tác phục vụ vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong khu vực. Các Chi hội thuộc khu vực ngày càng thể hiện được vai trò và uy tín đối với chính quyền tại các địa phương.

Tuy nhiên, tất cả các đơn vị hội trong Hội Khu vực cũng cần thấy rằng công tác vệ sinh môi trường là một ngành mang tính xã hội rộng lớn, do đó cần phải xác định xã hội hóa hoạt động vệ sinh môi trường là vấn đề rất quan trọng và cần thiết.

Mặt khác, các Chi hội thuộc Khu vực cũng cần nỗ lực nhằm huy động được các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh môi trường với những trang thiết bị và công nghệ hiện đại.


Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực miền Trung-Tây Nguyên tặng bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc

Đồng thời, một số Chi hội còn hoạt động với mô hình là đơn vị hành chính sự nghiệp hoặc sự nghiệp có thu cần nhanh chóng tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương chuyển sang thành Công ty, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để hoạt động có hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh và có điều kiện chăm lo tốt đời sống cho người lao động...


Ra mắt BCH Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực miền Trung-Tây Nguyên (Nhiệm kỳ  2023-2028)

Tại Hội nghị này, các hội viên đã tiến hành bầu lại Ban Chấp hành Hội, theo đó thống nhất ông Võ Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng làm Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Theo Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị (Phạm Trung)

Các bản tin khác :