Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang loay hoay với bài toán quá tải rác thải thì hơn 2 năm nay kể từ khi Nhà máy rác Nam Thành đi vào hoạt động, tỉnh Yên Bái đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải ở thành phố Yên Bái và một số huyện lân cận. Không chỉ có vậy, rác ở đây thực sự trở thành nguồn tài nguyên khi nhà máy sản xuất ra hạt nhựa và phân bón hữu cơ vi sinh giúp hàng trăm lao động địa phương có việc làm.
Nếu chỉ nhìn vào khuôn viên nhà máy Nam Thành, Yên Bái, với sự sạch sẽ và thoáng mát, không ai nghĩ đây là nhà máy chế biến rác thải.
Coi rác thải là… tài nguyên
Trước đây, việc thu gom và xử lý rác của thành phố Yên Bái được UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần và Công trình đô thị Yên Bái thực hiện. Tuy nhiên, do không có điều kiện đầu tư và áp dụng công nghệ mới, rác thải chỉ được thu gom và chôn lấp chứ không được xử lý dẫn đến quá tải tại các bãi chôn lấp. Chính vì vậy đã xảy tình trạng ô nhiễm môi trường và khiếu kiện của người dân xung quanh khu vực bãi chôn lấp rác thải.
“Không chỉ coi trọng việc xử lý rác thải, Nam Thành chúng tôi luôn coi đây là một nguồn tài nguyên để tận dụng. Rác thải hữu cơ sẽ tận dụng làm phân bón, rác thải vô cơ nếu là túi nilon hoặc nhựa, chúng tôi sẽ chế biến thành hạt nhựa. Chỉ trừ những gì không tận dụng được Nam Thành mới đem đi chôn lấp theo quy trình đảm bảo môi trường…” - ông Trần Đình Bính, Giám đốc Công ty Nam Thành cho hay.
Công nhân Nam Thành phân loại rác thải tại nhà máy.
Ngay sau đó, Yên Bái đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà máy nhanh chóng được xây dựng góp phần giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải của Thành phố Yên Bái và một số huyện lân cận. Nhà máy được vận hành trên dây chuyền khép kín. Rác từ địa bàn các khu dân cư được thu gom theo quy trình không tiếp đất, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng đến nhà máy. Tại đây, bộ phận kỹ thuật sẽ phun các chế phẩm vi sinh phân hủy, vi sinh khử mùi, sau đó được chuyển đến hệ thống tách lựa để phân loại hữu cơ lớn, hữu cơ nhỏ, đất, cát, nylon… tách đất, cát… chuyển đến bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Đến giữa tháng 7/2016, nhà máy xử lý rác thải - sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty được xây dựng và đi vào hoạt động với công suất xử lý 150 tấn rác/ngày. Trung bình mỗi ngày nhà máy thu gom và xử lý rác khoảng 110 tấn rác/ngày. Thành phần hữu cơ được chuyển đến các hầm ủ, sau khoảng 25 - 30 ngày sẽ được chuyển đến bãi ủ chín, giảm ẩm và chuyển đến phân xưởng để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Thành phần vô cơ được chuyển đến phân xưởng sản xuất hạt nhựa, bao bì, gạch cao su… Các hạt nhựa sẽ được chuyển sang phân xưởng sản xuất và in ấn bao bì. Phân bón hữu cơ vi sinh của Công ty đã được trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận sản phẩm mã số TCCN-PB 10-06. Hiện sản phẩm đang được cung cấp cho các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang…Loại phân này không làm đất bạc màu.
Những loại rác vô cơ như nilon, chai nhựa, can nhựa... sẽ được xử lý và chế biến thành hạt nhựa.
Sẽ nhân rộng mô hình
Đi thực tế tại nhà máy, nhóm phóng viên chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên bởi sự sạch sẽ đáng nể của một nhà máy xử lý rác. Không có cảnh bịt khẩu trang, không có cảnh ruồi nhặng vo ve như những nhà máy rác thông thường khác mà nhiều lần chúng tôi đã đi thực tế. Nhà máy được xây dựng trên khuôn viên với diện tích 5ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng bao gồm: Văn phòng, nhà ăn, các phân xưởng…Với công nghệ hiện đại giúp quá trình xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thiêm, Chủ tịch UBND xã Văn Tiến, TP Yên Bái cho biết: “Năm 2014 có xảy ra tình trạng cháy tại khu vực bãi rác cũ do Công ty Cổ phần và Công trình đô thị Yên Bái đổ trước đó, người dân có kiến nghị. Sau đó UBND thành phố, UBND xã Văn Tiến đã làm việc và phối hợp với Công ty Nam Thành dập tắt đám cháy. Từ ngày Công ty Nam Thành đưa vào xây dựng và hoạt động nhà máy xử lý rác trên địa bàn đến nay, xã chưa nhận được bất kỳ đơn thư kiến nghị nào của bà con.”
Khách hàng tìm đến tận nơi để mua hạt nhựa của Nam Thành.
“Bản thân tôi cũng rất mừng vì công nghệ xử lý rác của công ty được nhiều đoàn của các tỉnh như: Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Ninh…quan tâm đến thăm và mời cộng tác. Tới đây đội ngũ cán bộ công nhận viên của nhà máy sẽ cố gắng phát huy, làm tốt hơn nữa khả năng của mình để nhân rộng công nghệ này tới các tỉnh”, ông Trần Đình Bính - Giám đốc Công ty Nam Thành cho hay.
Nhận xét về mô hình này, ông Nguyễn Đức Dục - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Yên Bái (thuộc Sở TN&MT Yên Bái) cho biết: Công ty Nam Thành dù mới đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay nhưng đã phát huy hết khả năng và mang lại hiệu quả cao trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; rác thu gom đến đâu được xử lý đến đó, không để tình trạng tồn đọng gây ô nhiễm. Đồng thời bằng công nghệ mới đã sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, hàng năm Sở TN&MT vẫn yêu cầu công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu quả xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Lãnh đạo Công ty Nam Thành giới thiệu sản phẩm phân bón vi sinh được sản xuất từ rác thải hữu cơ với phóng viên.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên sáng 26/7, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá cao mô hình thu gom, xử lý và chế biến rác thải này. “Có thể nói Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Nam Thành đã xử lý rác khá triệt để, tận dụng rác thải làm phân bón, làm hạt nhựa, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, xử lý… đã đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Trên địa bàn Yên Bái vẫn còn nhiều nơi chưa xử lý triệt để được rác thải. Chúng tôi đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình này ở một số huyện thị kháctrong tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.
Theo Báo Tài nguyên Môi trường