Nhằm khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải rắn nói riêng, hiện các dự án xử lý chất thải rắn đang nhận được rất nhiều ưu đãi từ thuê đất đến các loại thuế, phí, tín dụng…
Ảnh minh họa
*Ưu đãi lớn
Một số nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã được Chính phủ, trình Quốc hội thông qua. Trong đó, trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định, của doanh nghiệp hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường; (bao gồm hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn; tái chế sử dụng chất thải…) được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao.
Tới đây, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016) cũng quy định, hàng hóa xuất, nhập khẩu để bảo vệ môi trường được miễn thuế xuất, nhập khẩu. Tiếp tục dành nhiều ưu đãi hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường; Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải…
Ngoài ra, hiện các các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hoặc giảm 50% thuế đất dự án tại vùng kinh tế khó khăn. Và để khuyến khích thu hút đầu tư vào hoạt động xử lý chất thải rắn, có rất nhiều ưu đãi về việc miễn giảm toàn phần hoặc một phần lệ phí trước bạ, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn…
*Tăng cường hợp tác “công - tư”
Chủ trương khuyến khích phát triển lĩnh vực xử lý chất thải rắn, nhà nước còn dành nhiều ưu đãi về tín dụng và tạo điều kiện cho các dự án này tiếp cận các nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Song song đó, do các dự án xử lý chất thải rắn thuộc diện có khả năng hoàn vốn toàn bộ, hoặc một phần nên được áp dụng cơ chế tài chính trong nước là cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ với lãi suất cho vay lại ưu đãi.
Theo Bộ Tài chính, hàng năm, ngân sách nhà nước đều bố trí và đáp ứng đầy đủ kinh phí chi thường xuyên cho các bộ, địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, đề huy động nhiều nguồn lực hơn cho lĩnh vực này. Bộ Tài chính đang đề xuất, thúc đẩy hợp tác “công - tư”, hút nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân cho công tác quản lý chất thải rắn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn... Theo đó, để thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư cũng như phát triển lĩnh vực này, theo Bộ Tài chính, cần rà soát, nghiên cứu giảm thiểu các thủ tục trong quá trình triển khai vay vốn. Trong đó, bao gồm cả vay từ nguồn vốn ưu đãi để thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện nước ta.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ TN&MT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng: thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại các quỹ bảo về môi trường; thông tư quy định ưu đãi về huy động vốn đầu tư; thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
B. VÂN (Theo Website Bộ Tài nguyên và Môi trường)