Trang chủ » Tin tức

Nguy cơ ô nhiễm từ những "điểm nóng" môi trường

Đà Nẵng là thành phố môi trường trong tương lai gần, tuy nhiên, nhiều thách thức và áp lực lớn vẫn được đặt ra do nhiều vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa của thành phố. Hiện tại, trên địa bàn Đà Nẵng còn các điểm nóng môi trường cần được giải quyết một cách căn cơ như: bãi rác Khánh Sơn; các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm; Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm; sông Phú Lộc và ô nhiễm do khí thải của các doanh nghiệp sản xuất thép tại cụm công nghiệp Thanh Vinh.

Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, tại bãi rác Khánh Sơn, hiện nay, tổ giám sát do Sở TN&MT thành lập vẫn thường xuyên giám sát quá trình hoạt động của bãi rác. “Thành phố đã có chủ trương cho đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác mới thay thế trạm xử lý nước rỉ rác do Công ty Quốc Việt vận hành với công suất 500m3 ngày/đêm, kinh phí 80 tỷ đồng và hoàn thành vào quý 3/2018” - ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chia sẻ.


Trên địa bàn Đà Nẵng còn các điểm nóng môi trường cần được giải quyết một cách căn cơ.

Công ty CP Môi trường đô thị cũng đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý phân bùn bể tự hoại với công suất xử lý 80m3 ngày/đêm. Tuy nhiên, theo tính toán quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do Viện Quy hoạch xây dựng đang xây dựng, thì lượng bùn bể tự hoại phát sinh vào các năm 2020-2030 với khối lượng dự kiến khoảng 92m3ngày/đêm và 376m3 ngày/đêm.

Do đó, để bảo đảm công tác xử lý phần bùn bể tự hoại lâu dài, ngành chức năng đang đề xuất thành phố triển khai xây dựng hệ thống xử lý phần bùn hầm cầu, trạm xử lý nước thải hoàn chỉnh để có thể xả thải trực tiếp ra môi trường có công suất khoảng 300m3 ngày/đêm, kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng. Tuy vậy, trước mắt, các biện pháp khắc phục ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn vẫn chưa thể làm người dân an long, bởi tình trạng phát sinh ô nhiễm từng ngày, từng giờ tại đây. Dù phía chính quyền đã rốt ráo vào cuộc trong việc khắc phục ô nhiễm tại điểm nóng này.

Tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh có tổng chiều dài hệ thống thu gom, thoát nước thải KCN là 21.264m, trong đó chiều dài ống HDPE chiếm 65%, còn lại là tuyến ống bê tông ly tâm. Qua công tác kiểm tra, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, phần lớn tuyến ống bê tông ly tâm được đầu tư từ năm 2002 đã bị hư hỏng, xuống cấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thu gom nước thải về Trạm Xử lý nước thải (XLNT) tập trung của KCN, đặc biệt đường số 4 là tuyến cống thu gom nước thải về Trạm XLNT tập trung của KCN có nhiều đoạn bị võng, nứt thân và hở mối nối. Do vậy, nhiều trận mưa to nước thải đã tràn ra đường, gây bức xúc cho người dân.


Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, tại một số tuyến cống do cao trình các hố ga và hệ thống thoát không đảm bảo, dẫn đến nước thải thoát không kịp tràn ra môi trường. Để hạn chế ô nhiễm, thời gian qua, Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico)- đơn vị chủ đầu tư khai thác đã đầu tư thêm 2 máy bơm tại trạm bơm trung chuyển đường số 4 và 7 để kịp thời bơm nước thải thu gom về Trạm XLNT tập trung, kết hợp nâng cao trình các hố ga trên đường số 4 và 5 để đảm bảo nước thải không tràn ra ngoài.

Trước thực trạng trên, mới đây Chi cục Bảo vệ môi trường đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra đột xuất tại 37/167 DN đầu tư hoạt động tại đây. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Đà Nẵng, có 7/37 doanh nghiệp có chất lượng nước thải sau đấu nối vào hệ thống thu gom đưa về Trạm XLNT tập trung không đạt yêu cầu đối với đầu vào của Trạm. Qua kiểm tra được biết hầu hết các cơ sở đều vi phạm một trong các tiêu chí bảo vệ môi trường do ngành chức năng yêu cầu như không tách đấu nước mưa và nước thải, nước tràn từ hố ga ra đường.

Cũng theo Sở TN&MT Đà Nẵng, Sở đang có báo cáo và kiến nghị lên UBND TP. Đà Nẵng để có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại KCN Hòa Khánh là một bài toán khó giải trong một thời gian dài.


Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Đà Nẵng, có 7/37 doanh nghiệp có chất lượng nước thải sau đấu nối vào hệ thống thu gom đưa về Trạm XLNT tập trung không đạt yêu cầu đối với đầu vào của Trạm tại KCN Hòa Khánh

Liên quan đến vụ việc lò mổ lớn nhất Đà Nẵng xả thải trực tiếp ra môi trường làm dư luận dậy sóng trong thời gian qua. Như chúng tôi đã thông tin, liên quan đến nước thải của đơn vị này, sau một thời gian lấy mẫu và thực hiện các các bước đo mức độ ô nhiễm môi trường đối với Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã phát hiện cơ sở này xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào môi trường.

Cụ thể, kết quả kiểm tra lấy mẫu nước tại Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng, phát hiện vi khuẩn coliform trong nước cao gấp 3.600 lần tiêu chuẩn cho phép trong nước dùng cho các cơ sở chế biến thực phẩm của Bộ Y tế. Trong khu giết mổ bò, đơn vị này không dùng nước máy. Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, lò mổ này chỉ hợp đồng dùng… 5 khối nước/ngày, trong khi mỗi đêm giết mổ gần 1.200 con gia súc, gia cầm.

Cách đây không lâu, Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng lại bị người dân sống ở khu vực khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bắt quả tang lén xả nước thải hôi thối ra ngoài. Theo đó, hàng trăm mét khối nước thải hôi thối đã được Trung tâm này lén bơm ra hồ chứa của một công ty nằm ngay trong khu dân cư, bốc mùi hôi nồng nặc.

Được biết, mới đây Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố do các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ gây ra; có cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt mạnh, nghiêm, nếu tái phạm lần sau thu hồi giấy phép, đóng cửa hoạt động sản xuất.



“Nếu để phát sinh các vụ việc, điểm nóng về tài nguyên và môi trường liên quan đến lĩnh vực, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm”, ông Huỳnh Đức Thơ nói

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường (đặc biệt lĩnh vực môi trường, khoáng sản, đất đai, tài nguyên nước); thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị đã được thanh, kiểm tra; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để trao đổi, thống nhất xử lý đối với các vấn đề phức tạp, liên ngành. Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý.

“Nếu để phát sinh các vụ việc, điểm nóng về tài nguyên và môi trường liên quan đến lĩnh vực, địa bàn của mình do buông lỏng quản lý, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố”, ông Thơ khẳng định.

                                                                                                                    Theo Website Tạp chí Môi trường

Các bản tin khác :