Với chủ đề “Cây xanh cho toàn cầu”, Ngày Trái Đất năm 2016 (22/4) nhắm vào mục tiêu làm thế nào để đạt mục tiêu trồng 7,8 tỷ cây xanh cho Trái đất vào năm 2020. Bảo vệ cây, khuyến khích trồng và nâng cao ý thức của người dân… mỗi nỗ lực của quốc gia, hành động của cá nhân đều góp phần lan tỏa màu xanh cho Trái đất.
Giữ gìn “lá phổi xanh”
Được ví là “lá phổi xanh” của Trái đất, cây xanh là trụ cột của hệ sinh thái, góp phần: điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường, phòng chống thiên tai. Bảo vệ cây xanh là bảo vệ cuộc sống. Chính vì vậy, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, cây xanh được coi là tài sản quốc gia và có những quy định chặt chẽ trong đốn hạ hoặc tỉa cây.
Là một trong những đảo quốc “xanh” nhất thế giới, tại Singapore, Chính phủ lập nên các Khu vực Bảo tồn Cây xanh bao phủ một diện tích rộng lớn của quốc đảo này và nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại các cây xanh có đường kính trên 1 mét trong các khu vực đó.
Tại thành phốSydney,Australia, cây xanh trên đường chỉ bị đốn hạ khi không còn giải pháp nào khác để giữ lại. Người dânSydneykhi muốn loại bỏ cây xanh trong vườn nhà mình cũng phải xin giấy phép của thành phố (nếu những cây này có chiều cao từ 5 mét trở lên, có tán lá phủ hơn 5 mét, hoặc đường kính thân hơn 30 cm). Ngoài ra, người chặt hạ cây trái phép ở mức độ nghiêm trọng có thể bị Tòa án Môi trường và Đất đai phạt tiền tới 1,1 triệu USD.
Tại bangMalacca,Malaysiachính quyền bang đã gắn thẻ nhận dạng ''MyKad'' trên tất cả các cây xanh nằm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương. Các biển nhận dạng này tạo điều kiện kiểm tra sức khỏe của cây thường xuyên. Từ những thông tin này, chính quyền sẽ cắt tỉa và thực hiện những chăm sóc cần thiết để tránh bất kỳ sự hư hỏng, đặc biệt là do nhiễm trùng mối mọt.
Một trái tim – Một cây xanh
Ở Paris (Pháp), trong thời gian diễn ra Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) , từ ngày 29/11/2015 - 3/12/2015 du khách và người dân có thể tham gia "gieo hạt ánh sáng" trên tháp Eiffel thông qua một ứng dụng kỹ thuật số trên điện thoại thông minh.
Cụ thể, với mức phí 10 Euros (10,93 USD), chủ sở hữu chiếc điện thoại thông minh sẽ mua "hạt ánh sáng" và "trồng một cây xanh". Trong vài giây, cây xanh ảo cùng với tên của người đó sẽ được chiếu trên những khung thép của tháp Eiffel cũng đã được nhuộm xanh bằng ánh sáng. Cây ảo này sẽ lớn dần theo nhịp đập trái tim của tác giả bên cạnh hàng nghìn cây của hàng nghìn "người gieo hạt" khác.
Tất cả tạo nên một tác phẩm khổng lồ có tên "Một trái tim, một cây xanh" và biến biểu tượng củaParisthành một khu rừng ảo khổng lồ. Trò chơi này không chỉ cho phép trồng một cây ảo mà trên thực tế, một cây thật cũng sẽ được trồng trong các dự án trồng rừng tại nhiều nơi trên thế giới. Tác giả - người trồng cây ảo sẽ được cấp chứng nhận và có thể theo dõi quá trình phát triển cây xanh mà họ trồng theo năm tháng.
Hàn Quốc cũng là quốc gia có nhiều ý tưởng khuyến khích người dân trồng và bảo vệ cây xanh. Là một tổ chức xã hội đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại quốc gia này - Tree Planet đã tạo ra trò chơi trồng cây độc đáo cũng với tên gọi là Tree Planet. Cụ thể, nếu người chơi trồng và chăm sóc cây của họ đến khi cây trưởng thành đầy đủ, tổ chức này sẽ giúp họ trồng cây này ngoài đời thực. Ngoài ra, Tree Planet còn nghĩ ra dự án thú vị “Star Forest – khu rừng ngôi sao” – dự án trồng rừng và đặt tên theo tên của các nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Năm 2015, một sự kiện “ôm cây” độc đáo cũng đã diễn ra ở Thủ đô Seoul, thu hút khoảng 1.220 người tham gia với hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của cây xanh đối với con người.
Những chiến dịch như vậy đã đem lại hiệu quả đáng kể. Đất rừng của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 1950 và khoảng 2/3 diện tích đất nước này đã được bao phủ trong tán cây xanh.
Lan tỏa cho tương lai
Tại ViệtNam, năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết Trồng cây nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, ViệtNamđều tổ chức lễ phát động quốc gia “Tết trồng cây – Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Qua 57 lần phát động, mỗi năm có hàng vạn cây xanh được trồng trong dịp lễ này. Trồng cây xanh trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ViệtNam.
Nhằm góp phần bảo tồn nguồn gene các cây tiêu biểu của Việt Nam, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã phát động phong trào bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Đến nay, sau 6 năm phát động, đã có 2.225 cây với 80 loài được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trên 45 tỉnh, thành của cả nước. Phong trào trên đã góp phần quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam rộng rãi trong nước và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học tạo nguồn sinh kế.
Nâng cao trách nhiệm xã hội, những năm qua, nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội của ViệtNamđã tổ chức các hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với sự phối hợp của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã tổ chức Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chương trình đã tạo sức lan tỏa, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh.
Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, hơn 500 tình nguyện viên đã tham gia chương trình trồng rừng do Quỹ môi trường Aeon, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội và Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) phối hợp tổ chức, nâng số cây xanh do Quỹ này trồng mới tại Việt Nam lên tới 8,5 vạn cây…
Trồng cây xanh cũng giống như ươm tình người. Mỗi mầm xành được đâm chồi là trách nhiệm, là tâm huyết của chúng ta giành cho thế hệ mai sau. Và 7,8 tỷ cây xanh – tương lai ấy sẽ không còn xa!
L. Nhi (Website Bộ Tài nguyên và Môi trường)