Tối ngày 04/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày môi trường thế giới 05/6/2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ. Tham dự Lễ phát động về phía Bộ TN&MT có Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân. Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện các tổ chức chính trị, doanh nghiệp.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) là hoạt động thường niên được Việt Nam tổ chức từ năm 1982 đến nay theo sự phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước. Năm nay, Bộ TN&MT đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách thiết thực, hiệu quả; tăng cường các hoạt động cụ thể có sự tham gia của cộng đồng, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách tại các địa phương.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016
Thế giới và Việt Nam đang đứng trước nhiều mối đe dọa về ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sau công cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới như được thay da đổi thịt với tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước. Để phục vụ cho nhu cầu không ngừng gia tăng của con người, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác ào ạt hơn, đẩy nhân loại đối mặt với hiểm họa môi trường đang có nguy cơ tăng dần. Trên hành tinh xanh của chúng ta, ở đâu ta cũng dễ dàng nhận thấy dấu hiệu của sự ô nhiễm môi trường. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất hiện nay nóng hơn, tác động sâu sắc đến môi trường và xã hội, làm mực nước biển dâng, gia tăng cường độ các cơn bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thay đổi ngành nông nghiệp. Biển và đại dương đang ngày đêm kêu cứu vì ô nhiễm trầm trọng. Hằng năm, khoảng hàng chục triệu tấn chất thải rắn do hoạt động của con người đổ ra biển, đại dương. Đa dạng sinh thái bị suy giảm, đất đai trở nên bạc màu không thể canh tác. Tình trạng này đang đe dọa cuộc sống của gần 1 tỷ người trên Trái Đất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ
Ở Việt Nam, hàng loạt thiên tai, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, các lưu vực sông và nhiều sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân. Sự cạn kiệt nguồn nước ở Đồng Bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam bên cạnh yếu tố tác động của biến đổi khí hậu còn có nguyên nhân của việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, thiếu bền vững. Số liệu thống kê chưa đầyđủ mớiđây cho thấy, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long đã lên tới 5.572 tỷ đồng; hơn 1,5 triệu người dân đang hàng ngày thiếu nước sinh hoạt với những rủi ro lớn đến sức khỏe. Hình ảnh những cánh đồng lúa chết cháy, đất đai nứt nẻ và những người nông dân khắc khổ rơi vào cảnh trắng tay sẽ còn ám ảnh, buộc chúng ta phải sớm có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn.
Bảo vệ môi trường cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sát sao và đã cụ thể hóa tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ… như Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về Bảo vệ Môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vềChủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội qua các giai đoạn….
Hiện nay, các cấp, các ngành đã từng bước nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo vệmôi trường (BVMT), bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường từng bước được hoàn thiện; các vấn đề môi trường bức xúc đang từng bước được giải quyết hiệu quả.
“Tất cả chúng ta, những người dân ViệtNamtrong và ngoài nước phải luôn tâm niệm rằng BVMT không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là cả thế hệ mai sau, con, cháu của chúng ta. Vì vậy hãy bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, thiết thực và gần gũi nhất.” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kêu gọi.
Hoạt cảnh nghệ thuật trong Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường
“Tháng hành động vì môi trường” kêu gọi toàn dân cùng nhau làm sạch môi trường bằng những hành động thiết thực
Với mong muốn đó, Bộ TN&MT phát động “Tháng hành động vì môi trường” kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau làm sạch môi trường; thay đổi hành vi, lối sống để góp phần cải thiện, BVMT cho chính thế hệ hiện tại và các thế hệ mai sau.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng hoan nghênh BộTN&MT đã có ý tưởng mới về việc tổ chức “Tháng hành động vì môi trường”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội và nhân dân trên cả nước.
Để thực hiện thành công, có hiệu quả “Tháng hành động vì môi trường”,Phó Thủ trướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ:
Một là, rà soát lại công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đánh giá những điểm đã làm được, những điểm chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại về cơ chế, thể chế và pháp luật; trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp đồng bộ nhằm kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống,, bao gồm cả thể chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực.
Hai là, các Bộ, ngành và địa phương luôn phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; coi môi trường là trụ cột bình đẳng với phát triển kinh tế, tránh mọi biểu hiện và quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua nhiệm vụ BVMT.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, kể cả biện pháp xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật môi trường một cách có hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng.
Bốn là, tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác BVMT, đặc biệt là trong nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
Năm là, tăng cường đầu tư cho công tác BVMT, đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho BVMT phù hợp với tỷ trọng đầu tư phát triển; bên cạnh đó đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho BVMT, tăng cường hợp tác công tư trong BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm đối với BVMT.
“Thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các Cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua.Chúc cho sự nghiệp ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng.” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Website Bộ Tài nguyên và Môi trường (monre.gov.vn)