Trang chủ » Tin tức

Chất thải rắn xây dựng: Tái chế là ưu tiên số một

Chiếm tới khoảng 25% lượng chất thải sinh hoạt, tuy nhiên hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng chưa thực sự hiệu quả. Đòi hỏi sự điều chỉnh, bổ sung và xiết chặt lại các quy định hiện hành. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là phân loại từ đầu nguồn và tái chế.


Bất cập
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, tình trạng quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD) ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập. Đơn cử như ở thành phố Hà Nội, tình trạng đổ trộm phế thải từ xây dựng diễn ra phổ biến ở hầu hết các quận, huyện. Điều này cho thấy việc phân loại, thu gom, vận chuyển đang thiếu các quy định cụ thể, không rõ trách nhiệm.

Trong khi đó, các chuyên gia đều thừa nhận, đây là nguồn phát thải chính, và các chế tài xử phạt còn nhiều kẽ hở, dẫn đến khó khăn trọng việc quy trách nhiệm xử lý khi phát hiện trường hợp xả thải ra môi trường. Đề cập đến những bất hợp lý trong xử lý CTRXD, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, bao lâu nay ở nước ta biện pháp xử lý chủ yếu được áp dụng đối với chất thải trong xây dựng là chôn lấp.


Chất thải rắn xây dựng nên được tái chế.

Với khối lượng ước tính 1.500 tấn/ngày, Hà Nội sẽ cần những bãi chôn lấp lớn. Mặc dù thành phố đã quy hoạch khoảng 10 khu chôn lấp CTRXD, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng công trình xây dựng ngày càng nhiều, chắc chắn lượng chất thải sẽ còn gia tăng mạnh trong những năm tới. Điều đó cũng đồng nghĩa với quy hoạch về khu vực chôn lấp CTRXD sẽ không theo kịp với nhu cầu. Đó là chưa kể đến việc, CTRXD rất khó phân hủy. Cho nên việc bãi chôn lấp CTRXD quá tải là điều khó tránh khỏi.

Quản lý từ đầu nguồn
Nhận thấy những bất cập, giữa năm 2015, Bộ Xây dựng đã dựng đã dự thảo Thông tư Quy định về quản lý CTRXD. Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Thông tư này thể hiện rõ yêu cầu tăng cường quản lý nguồn phát thải xây dựng. Theo quy định của Thông tư này, các dự án, công trình khi xin giấy phép xây dựng phải có thông báo kế hoạch quản lý CTRXD. Đồng thời, CTRXD phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, khuyến khích các giải pháp công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu phù hợp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Đối với các bên liên quan về quản lý, sử dụng CTRXD như: chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc thi công xây dựng công trình có phát sinh CTRXD phải có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý và bố trí người theo dõi, kiểm tra nguồn phát thải xây dựng. Ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD và những đơn vị này cũng phải công khai, minh bạch thông tin năng lực của mình. Công tác vận chuyển, thu gom, xử lý phải bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định bằng các phương tiện chuyên dụng, tránh rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán mùi, bụi.

Các địa phương có trách nhiệm phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý cho UBND các cấp về quản lý, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTRXD, phối hợp các ngành chức năng trong kiểm tra, xử phạt vi phạm, đồng thời lập danh sách các công trình xây dựng sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng trên địa bàn… Hiện, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực xây dựng các mẫu hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý CTRXD nhằm quy trách nhiệm “đúng người đúng tội” nếu để xảy ra vi phạm. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các giải pháp trong vấn đề xử lý, tái chế CTRXD.

Ưu tiên tái chế
Theo Quy trình quản lý và xử lý chất thải xây dựng hiện hành, việc xử lý các chất thải rắn từ các công trình xây dựng đã được chuyển hướng, khối lượng ngày càng lớn chất thải được đưa qua khâu tái chế, tái sử dụng trong một số trường hợp trước khi đưa ra bãi chôn lấp. Các chuyên gia nhận định, “đầu ra” của rác thải xây dựng khá đa dạng: bê-tông, gạch vụn có thể được tái chế thành cốt liệu thô, sử dụng làm vật liệu áo đường hoặc làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường; gỗ, giấy, nhựa sử dụng làm nguyên liệu đốt; nhựa đường có thể tái chế thành vật liệu bê-tông nhựa (dạng cốt liệu)…

Do đó, để quản lý hiệu quả chất thải xây dựng đòi hỏi sự phối hợp hành động của Chính phủ, các doanh nghiệp và các nhóm, tổ chức chuyên nghiệp. Trong đó phải chú trọng đến tất cả các khâu từ việc loại bỏ chất thải; giảm thiểu chất thải; tái sử dụng vật liệu; phân loại chất thải từ công trường…

                                                                                                                               BÙI THỌ (Website Bộ TNMT)

Các bản tin khác :