Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đã hơn 9 tháng trôi qua, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.
Tăng mức phạt
Trong nghị định trên, Chính phủ đã tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Động thái này được nhiều chuyên gia môi trường đánh giá tiến bộ, thể hiện quan điểm dứt khoát của Chính phủ về bảo vệ môi trường, cương quyết không vì lý do nào mà chấp nhận môi trường sống bị ô nhiễm.
Cụ thể, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng). Hành vi bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 từ 100.000 - 200.000 đồng). Các hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 từ 300.000 - 400.000 đồng).
Bỏ rác bừa bãi sẽ bị phạt nặng Ảnh: THÀNH TRÍ
Với mức phạt trên, nhiều chuyên gia cho rằng đã khá đủ sức để răn đe những người thiếu ý thức. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp khó. Đơn cử, thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền xử phạt hành vi vứt mẩu và tàn thuốc không đúng quy định nơi công cộng với mức phạt 500.000 đồng. Tuy vậy, với các mức phạt từ 1 triệu đồng trở lên (như hành vi tiểu tiện bậy) thì phải chuyển hồ sơ đến thanh tra các sở TN-MT hoặc Bộ TN-MT xử phạt theo thẩm quyền.
Thủ tục quá phức tạp, không chỉ đối với người bị phạt mà còn cả với lực lượng chấp pháp. Đó là chưa kể, hành vi vứt rác bừa bãi, tiêu tiểu không đúng nơi… diễn ra rất nhanh, nếu không bắt quả tang sẽ rất khó lập biên bản xử phạt. Còn một thực tế nữa, hệ thống nhà vệ sinh, thùng rác công cộng chưa được lắp đặt đủ số lượng cần thiết nên người bị phạt sẽ khó “tâm phục, khẩu phục” trong tình huống như vậy.
Không đi sẽ không đến
Thế nhưng, nếu cứ kêu khó để không triển khai thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP sẽ càng sai. Ngành chức năng nên rà soát lại nghị định. Phần nào khó triển khai thực hiện, nên kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cho hợp lý hơn. Phần nào triển khai được, nên triển khai ngay. Thực hiện nghiêm Nghị định 155/2016 không những giữ môi trường sạch mà còn tạo được thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.
Đặc biệt, với các đô thị lớn như TPHCM hiện trung bình mỗi năm phải tốn hàng trăm tỷ đồng cho việc quét dọn vệ sinh trên đường, thu gom rác trên kênh, rạch… Nếu xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi, TPHCM có thể tiết kiệm đáng kể chi phí quét dọn và vớt rác trên kênh rạch. Kinh phí để “nuôi” bộ máy kiểm tra, xử phạt hành vi này có thể đề xuất lấy một phần từ nguồn thu xử phạt.
TPHCM đã và đang triển khai lắp đặt camera an ninh ở nhiều khu phố. Hệ thống camera này có thể ghi hình ảnh vứt rác bừa bãi và có thể làm căn cứ để ngành chức năng xử phạt. TPHCM đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại… mà thành phố văn minh, hiện đại, trước hết phải là thành phố sạch sẽ. Và cuối cùng, ngành du lịch TPHCM đang nỗ lực để thu hút du khách nên môi trường sạch đẹp sẽ góp thêm điểm cộng cho du lịch thành phố.
Mong rằng, TPHCM sớm triển khai xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi. Tất nhiên, song song đó cũng nên huy động nguồn lực xã hội, lắp đặt thêm thùng rác công cộng, xây nhà vệ sinh… để người dân có điều kiện chấp hành tốt các quy định về vệ sinh môi trường.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường