Trang chủ » Tin tức

Xu hướng trong xử lý rác thải ở Ấn Độ

Với thị trường thu gom và xử lý trị giá 570 triệu đô la Mỹ, khu vực tư nhân đang thu hút rất nhiều sáng kiến về xử lý rác thải.


Ở Ấn Độ, lượng chất thải rắn bình quân mỗi năm tăng hơn 5%. Vì những tiêu chuẩn quản lý chất thải rắn đô thị tại nước này chưa thỏa đáng, nên Chính phủ đã ban hành những quy định mới về xử lý chất thải rắn đô thị. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn tương đối chậm. Chính vì thế, Ấn Độ đang chuyển hướng sang khu vực tư nhân. Với thị trường thu gom và xử lý trị giá 570 triệu đô la Mỹ, khu vực tư nhân đang thu hút rất nhiều sáng kiến về xử lý rác thải. Rác thải đang đem lại những cơ hội kinh doanh mới cho Ấn Độ.

Mỗi năm Ấn Độ thải ra khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn. Chất thải đô thị mỗi năm tăng thêm 5% cùng với tốc độ phát triển đô thị và những thay đổi trong lối sống và tiêu dùng. Những tiêu chuẩn quản lý chất thải hiện hành ở Ấn Độ đã không còn phù hợp: Tỉ lệ thu gom tại các thành phố lớn đạt khoảng 70 - 90%, trong khi tại các thành phố nhỏ chưa tới 50%. Chôn lấp rác thải bừa bãi, không qua xử lý là tình trạng phổ biến ở hầu hết các thành phố của Ấn Độ. Hơn 91% số chất thải rắn được thu gom được chôn lấp ở các khu đất mở, hoặc được chất đống lộ thiên, gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hàng năm, việc đốt hở thủ công rác thải và các bãi chôn lấp rác thải tạo thành rất nhiều chất độc hại. Đây là việc làm cần phải ngăn chặn ngay.


Ảnh minh họa

Để ứng phó, Chính phủ Ấn Độ đã hình thành các quy tắc chất thải rắn đô thị năm 2000, ban hành những quy định áp dụng cho các thành phố trên khắp cả nước không phân biệt quy mô và số lượng dân số. Chương trình này đã đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiệu quả hơn, đồng thời xây dựng những chương trình nâng cao nhận thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm tăng tỉ lệ tái chế rác thải. Tuy nhiên, công tác triển khai vẫn còn chậm do chưa phổ biến rộng rãi tới người dân, do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự, công tác đào tạo chưa hiệu quả, và do thiếu trách nhiệm cũng như sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chính vì vậy, Ấn Độ hiện đang hướng đến những công cụ linh hoạt hơn gắn liền với khu vực tư nhân.

Với thị trường thu gom và xử lý chất thải hiện trị giá khoảng 570 triệu đô la Mỹ, và thị trường tái chế có thể đạt từ 2,5 đến 3 tỉ đô la trong tương lai không xa, khu vực tư nhân ngày càng trở nên cuốn hút đối với ngành xử lý chất thải rắn đô thị. Giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Ấn Độ phải dự trữ tài nguyên, coi xử lý rác thải như một cơ hội kinh doanh.

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính nhằm triển khai ứng dụng những quy định này còn hạn chế, và các thành phố có thể phải nộp phạt hành chính nếu không đạt được các tiêu chuẩn mới, những quy định này đã khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm chia sẻ năng lực kỹ thuật và quản lý trong việc thiết lập một hệ thống quản lý chất thải tích hợp thông qua quan hệ hợp tác công - tư có thể đem lại lợi nhuận. Khoảng 36% số hợp đồng xử lý chất thải rắn đô thị tại Ấn Độ hiện nay có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Có nhiều mô hình tham gia của khu vực tư nhân trong chuỗi quy trình xử lý chất thải rắn đô thị Ấn Độ, bao gồm Mô hình trả phí trong đó thành phố sẽ trả cho các công ty tư nhân xử lý chất thải rắn một khoản phí đối với mỗi tấn rác thải được thu gom, phân loại và xử lý. Đây là mô hình phổ biến nhất ở Ấn Độ. Điểm trừ của mô hình này là các công ty tư nhân không có nhiều sáng kiến trong việc giảm lượng rác thải chôn lấp, do đó lại gia tăng gánh nặng về tài chính và môi trường cho các thành phố. Gần đây, một số công ty tư nhân của Ấn Độ như Hanjer đã ký kết những hợp đồng dựa trên Mô hình không trả phí.


Thành phần chất thải theo quy mô dân số.

Theo đó, các công ty tư nhân xử lý chất thải rắn đô thị được thu gom mà không thu bất cứ khoản phí nào. Doanh thu chủ yếu được tạo ra nhờ tái chế chất thải được thu gom. Mô hình này khuyến khích giảm thiểu chất thải chôn lấp, và đòi hỏi các công ty phải có công nghệ tiên tiến, sáng tạo để thu gom và phân loại chất thải. Sự tham gia của khu vực tư nhân đã nâng cao hiệu quả xử lý chất thải và cải thiện tình hình thực hiện nhờ có sự cạnh tranh của các tổ chức có năng lực kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm, có trách nhiệm, linh hoạt và quản lý tốt hơn. Phản ứng nhanh nhạy, cùng với khả năng tập trung vốn, cung cấp dịch vụ tốt hơn gắn với hình ảnh doanh nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân chính là nhân tố thành công của các doanh nghiệp này trong ngành công nghiệp xử lý chất thải.

Mô hình kinh doanh sáng tạo
Hanjer là một trong số ít các doanh nghiệp áp dụng Mô hình không trả phí trong xử lý chất thải rắn đô thị tại Ấn Độ. Công ty đã thành lập và điều hành thành công 24 nhà máy xử lý chất thải rắn tích hợp, với tổng công suất 4 triệu tấn/năm hoặc 11.500 tấn/ngày. Các nhà máy này đã biến chất thải rắn không nguy hại thành những sản phẩm tái chế như phân trộn, nhiên liệu tái chế từ rác thải (RDF), cát và nhựa rắn - những sản phẩm vẫn được bán trong thị trường mở.

Với mỗi một nhà máy, công ty đều ký kết một hợp đồng BOOT (Xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao) dài hạn (từ 20 đến 30 năm) với thành phố. Thông qua hợp đồng dài hạn, công ty có quyền thành lập và vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn, và được thành phố đảm bảo không thu phí đối với vị trí của nhà máy. Để đạt được lợi nhuận, Hanjer đã phát triển công nghệ sáng tạo nội bộ nhằm phân loại chất thải rắn thành loại khô và loại ướt, và biến chúng thành nhiều sản phẩm công nghiệp hữu dụng. Chính công nghệ tiên phong này đã giúp công ty đạt được tỉ lệ tái chế cao hơn và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Hanjer có thể tái chế tới 85% lượng chất thải rắn thu gom từ các thành phố. Con số này cũng chỉ đạt 65 - 70% ở Pháp, quốc gia có tỉ lệ tái chế cao nhất.

Công ty có nhiều nhà máy được đặt ở nhiều nơi với điều kiện khí hậu và thời tiết khác nhau trên khắp Ấn Độ. Chính điều này đã tạo điều kiện để công ty hoàn thiện quy trình và công nghệ của mình. Thành công lớn nhất của Hanjer chính là có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm giá trị gia tăng với sản lượng ổn định và chất lượng cao, phù hợp với mục đích công nghiệp và thương mại

Sản phẩm chất lượng cao
Trước đây, phân trộn là lựa chọn thay thế cho phân bón nhưng do chất lượng kém và do nguồn cung có vấn đề, nên nó không được ứng dụng rộng rãi. Do đó, Hanjer đã đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để sản phẩm phân trộn do công ty sản xuất đạt được chất lượng phù hợp. Từ năm 2006 đến năm 2008, đội ngũ marketing của công ty Hanjer đã tiến hành thí điểm sản phẩm trên ruộng của người dân, và tiếp tục tương tác với họ để nhận lại những phản hồi về sản lượng và chất lượng ruộng. Những cánh đồng thí điểm này đã tạo ra sự thay đổi đúng như mong muốn đối với sản phẩm “Phân trộn hữu cơ chất lượng cao” do công ty Hanjer sản xuất. Loại phân trộn này đem lại một vài lợi ích.

Thứ nhất, nó rẻ hơn phân hóa học 40%. Thứ hai, sản lượng thu được cao hơn do số vi khuẩn trong phân trộn Hanjer đã gia tăng hiệu quả của phân bón trên ruộng. Cuối cùng, sự phân bố của Hanjer tại khắp các thành phố đã giúp công ty phân phối một lượng lớn phân trộn với chi phí vận chuyển thấp nhất so với những nhà cung cấp khác. Nhờ có kết quả thử nghiệm tốt, nhiều công ty phân bón lớn như Tập đoàn Phân bón quốc gia Gujarat đã tìm đến Hanjer để hợp tác và kinh doanh loại phân trộn này. Ngoài ra, bộ luật được Bộ Phân bón và Hóa học Ấn Độ thông qua (quy định các công ty phân bón phải bán 3 túi phân trộn cùng với 6 túi phân bón) đã giúp Hanjer chỉ trong vòng 2 năm đã ký được hợp đồng hợp tác với 9 công ty phân bón nhằm thương mại hóa loại phân trộn này, đồng thời bán trực tiếp cho người nông dân.

Được sử dụng như một nguồn năng lượng trong nhiều ngành công nghiệp, RDF được sản xuất bằng cách nghiền và khử nước của chất thải rắn bằng công nghệ biến đổi chất thải. RDF truyền thống có tỉ lệ nhựa cao, khoảng 12 - 15%, và độ ẩm khoảng 25 - 30% với tổng giá trị calo khoảng 4.500 Kcal. Chính vì lí do này mà RDF được gọi là “siêu nhiên liệu” và giá cả không hề phải chăng. Hanjer đã tìm ra cách để tinh chế sản phẩm hơn nữa bằng cách giảm tỉ lệ nhựa xuống còn 5% và độ ẩm xuống còn 20%, biến sản phẩm thành “RDF xanh” với tỉ lệ phát thải nằm trong giới hạn cho phép vì hàm lượng nhựa của sản phẩm thấp. Nó đã trở thành loại nhiên liệu phổ biến và thay thế trực tiếp cho than, than lignit và sinh khối. Thông qua một loạt những tương tác với những khách hàng tiềm năng của loại RDF xanh này, như các xưởng may mặc, các nhà máy hóa chất và các ngành công nghiệp chế biến, Hanjer đã đưa ra được một giải pháp rẻ hơn và sạch hơn, giúp tiết kiệm tới 30% tổng chi phí cho người dùng.

Đối với các ngành công nghiệp, RDF xanh không đòi hỏi bất cứ thay đổi nào từ lò hơi hiện hữu vì lignit có thể chuyển hóa trực tiếp thành RDF xanh. Vì chất thải rắn được thành phố chuyển giao miễn phí cho công ty, nên Hanjer có thêm một lợi thế của sản phẩm với “chi phí đầu vào bằng không”. Giá than, lignit và sinh khối tăng cũng là nguyên nhân cấp thiết khiến các công ty, tập đoàn khách hàng lớn của than, lignit và sinh khối trước kia phải chuyển sang sử dụng RDF xanh. Tính đến nay, các nhà máy điện và xi măng đều đã chính thức hóa kế hoạch sử dụng RDF xanh và đã cùng Hanjer đẩy lượng tiêu thụ RDF xanh từ 100 lên đến 400 tấn/ngày. Sắp tới, Hanjer dự kiến bán khoảng 50% sản lượng RDF xanh cho các tập đoàn lớn và 25% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhựa tái chế là sản phẩm phổ biến, được chấp nhận rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm này được sử dụng để sản xuất khuôn nhựa, ống thoát nước, bảng màu… Với những sản phẩm kiểu này, việc sử dụng nhựa nguyên chất chất lượng cao thường đắt gấp 3 lần so với sử dụng nhựa tái chế, và cũng không cần thiết.

Thách thức và nhân tố thành công
Quy trình thu gom rác thải ở Ấn Độ không phải là quy trình tối ưu đối với các công ty xử lý. Rác thải mà những công ty này thu gom được thường chỉ là những gì mà đội ngũ khoảng 500.000 người nhặt rác bỏ lại. Do đó, những gì còn sót lại chỉ là những thứ không mấy giá trị. Cũng như vậy, rác thải gia đình của Ấn Độ cũng kém hơn so với tiêu chuẩn của thế giới về chất lượng, và vẫn được tập trung cả trong một thùng rác chung. Chính việc không phân loại rác thải tại nguồn này đã khiến cho hoạt động tái chế trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới cũng không phát huy tác dụng đối với loại rác thải này, và nhiều công ty xử lý chất thải rắn không thể đạt được kết quả mong muốn. Trong tình hình này, quan trọng là phải liên tục đầu tư vào R&D để phát triển những công nghệ sáng tạo không ngừng.

Hanjer không ngừng đầu tư vào R&D để chuyển sang những sản phẩm chất lượng cao và tiến tới những phân khúc thị trường thông dụng hơn nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ phân phối. Công ty đã áp dụng cách tiếp cận nhóm, nhắm tới những khách hàng ở chính những khu vực có nhà máy của công ty, giảm chi phí vận chuyển và tăng sự gần gũi và linh hoạt đối với khách hàng. Công ty cũng tăng cường mở rộng các chi nhánh ở nhiều khu vực, để giảm thiểu nguy cơ về mặt chính trị và nguy cơ đến từ các đối tác. Hanjer đã ký kết những hợp đồng xử lý chất thải rắn dài hạn, với những cam kết chắc chắn từ chính quyền thành phố nhằm đảm bảo lượng nguyên liệu thô tối thiểu. Công ty cũng đã phát triển một công nghệ nội bộ nhằm kiểm soát những công nghệ đã sử dụng, giúp giảm chi phí sản xuất xuống còn 50% trong 5 năm. Thiết bị máy móc của công ty có thể vận chuyển từ cơ sở này tới cơ sở khác trong một thời gian ngắn để đảm bảo công suất và ngày hoàn thành. Công ty có thể thành lập một nhà máy với công suất 500 tấn/ngày trong vòng chưa đầy 9 tháng.

Hiện tại, Hanjer đã chứng minh được đây là công ty duy nhất với một hệ thống những nhà máy xử lý chất thải rắn có tỉ lệ xử lý đạt hơn 90%. Nhờ có mô hình được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tình hình của Ấn Độ, Hanjer đã đem lại một lựa chọn thay thế cho các thành phố mà không đòi hỏi thù lao, giúp các thành phố giảm nhẹ gánh nặng môi trường thông qua tỉ lệ tái chế 85%, không đòi hỏi chi phí phụ trợ đối với khu vực công. Một trong những thách thức lớn nhất đối với Hanjer là phải làm sao để duy trì được những thành quả của công ty về mặt xã hội cũng như môi trường. Hanjer đã đồng ý tuân theo những tiêu chuẩn môi trường được giám sát bởi công ty kiểm toán thứ ba.

Tất cả các nhà máy của công ty đều có chứng nhận quốc tế (ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OSHAS 18001:2007) và thường xuyên được ICLEI (Hiệp hội các tổ chức chính phủ quốc gia và quốc tế cam kết phát triển bền vững) và Hội đồng kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ kiểm tra. Hanjer đã đạt được 6 giải thưởng danh giá, như Giải Con công Vàng năm 2012 cho sáng kiến thân thiện với môi trường trong quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục cải thiện để có thể đạt được các tiêu chuẩn quốc tế trong giai đoạn trung hạn. Tiếp tục đầu tư cho R&D sẽ đóng vai trò chủ đạo đối với công ty nhằm củng cố lợi thế tiên phong của công ty tại thị trường trong nước và nhân rộng mô hình tại nước ngoài./.

                                                                    TS. IRFAN FURNITURWALA (Theo moitruongvadothi.vn) 

Các bản tin khác :