Mỗi sáng chủ nhật, các bạn trẻ Đà Nẵng lại lên Sơn Trà nhặt rác vì ước mong Sơn Trà thêm sạch, đẹp hơn. Việc làm của họ thu hút sự chung tay của du khách trong và ngoài nước.
Sáng chủ nhật, các tuyến đường từ Đà Nẵng hướng lên Sơn Trà nhộn nhịp bạn trẻ mang theo túi đựng rác, chổi, cây gắp để nhặt rác. Không chỉ nhặt rác dọc đường lên Sơn Trà, nhiều nhóm còn len lỏi vào rừng để lấy rác. Khoảng 2 tiếng đồng hồ, hàng chục túi rác to lại được đưa ra mặt đường để vận chuyển đến điểm thu gom rác.
Đặng Anh Tuấn (học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trinh), cho biết: “Em tham gia tình nguyện nhặt rác vì môi trường được hơn một năm. Cứ cuối tuần, bọn em lại cùng nhau đi nhặt rác, lúc ở Sơn Trà, lúc dọc các bãi biển Mỹ Khê, Mân Thái, Nguyễn Tất Thành... Hồi đầu mới tham gia em không biết nhiều bạn, nhưng qua nhiều lần nhặt rác, chúng em đã quen nhau. Có đợt tình nguyện vì môi trường là chúng em lại thông tin rộng rãi cho nhau để cùng đi”.
Anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet, người dẫn theo con gái đi nhặt rác cho biết: “Là người làm trong công tác bảo vệ môi trường và thiên nhiên nên tôi càng trân quý những gì thiên nhiên ban tặng. Trân quý bao nhiêu tôi càng xót xa bấy nhiêu khi thiên nhiên đứng trước nhiều mối đe dọa và lo ngại từ rác thải. Chính vì vậy, tôi muốn đóng góp sức mình vào việc gìn giữ và bảo vệ Sơn Trà. Khi con gái được 3 tuổi, tôi đã đưa con theo cùng trong các đợt nhặt rác để con hiểu hơn về mối nguy hại của rác thải cũng như nhân lên ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng”. Giữa cái nắng chói chang của ngày hè, hòa chung nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên nhặt rác dọc các con đường lên Sơn Trà, một đôi bạn trẻ người Đức đang trên đường đi tham quan bán đảo này cũng không ngần ngại dừng xe để... nhặt rác.
Khách nước ngoài tham gia nhặt rác đoạn đường lên chùa Linh Ứng Sơn Trà.
Lisa (29 tuổi, thành viên nhóm Clean Up The Planet), cho biết: “ Không chỉ ở Đức mà bất cứ quốc gia nào tôi đi qua, thấy có các hoạt động bảo vệ môi trường tôi đều tham gia. Ngoài việc tham gia nhặt rác, tôi cũng thường xuyên đăng hình ảnh về công tác bảo vệ môi trường lên mạng xã hội để lan tỏa tình yêu môi trường đến bạn bè trên khắp thế giới và nhân rộng các hình ảnh đẹp này”. Joy (bạn của Lisa) cho biết thêm: “Từ năm 2015, đại dương có nhiều rác hơn do rác từ đất liền trôi ra. Vì vậy, ngay từ bây giờ và lúc này, chúng tôi mong muốn thông qua hành động của mình sẽ kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường”.
Đang hì hụi nhặt những thanh sắt, tấm nhôm và vỏ ni-lông ăn sâu dưới những lớp lá và đất đá trong các thảm thực vật của rừng Sơn Trà, quẹt vội những giọt mồ hôi, Matti Maceratesi (người gốc Ý), cho biết: “Đây không phải là lần đầu tôi cùng các bạn trẻ tham gia bảo vệ môi trường mà trước đó tôi đã cùng nhiều nhóm khác, ở những địa phương khác tham gia nhặt rác. Đây là hoạt động thực sự hấp dẫn chúng tôi và việc cùng người bản địa nhặt rác cũng là cách thể hiện tình yêu của chúng tôi đối với đất nước đó”.
Chị Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet, cho biết: “Trung tâm đã rất nhiều lần tổ chức hoạt động làm sạch Sơn Trà với mục đích thể hiện sự tham gia của cộng đồng vào việc gìn giữ và bảo vệ Sơn Trà. Khách du lịch đến với Sơn Trà ngày càng nhiều và để lại lượng rác thải khổng lồ, ảnh hưởng đến động vật hoang dã và thực vật. Mình đã từng thấy một con cầy bị mắc trong các vỏ lon bia, thấy một con khỉ ăn thức ăn thừa do du khách để lại tại các điểm tham quan trên Sơn Trà... Việc động vật ăn thức ăn thừa này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung cho cả Sơn Trà”. Những người làm công tác bảo vệ môi trường như chị Trang cũng chia sẻ thêm, rác thải sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sạch mà 20 con suối lớn nhỏ tại Sơn Trà đang cung cấp cho người dân Đà Nẵng. Đặc biệt, rác thải nhựa khó phân hủy sẽ mắc kẹt vào những con suối, chặn dòng di chuyển của các loài sinh vật sống trong đó.
Những tác động của rác thải tới hệ sinh thái Sơn Trà không chỉ dừng lại ở việc làm mất cảnh quan của một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe những loài động vật quý hiếm tại đây như voọc, khỉ, sóc, lợn rừng... Chính vì vậy, các chiến dịch thu rom rác thải là việc cần làm nhất trong lúc này để tạm thời “chống” lại nạn ô nhiễm rác thải.
Bài và ảnh: THANH TÌNH (Báo Đà Nẵng)