Trang chủ » Tin tức

Ứng dụng phân bón lỏng biomass nâng cao năng suất cây trồng

Ngày 24-2, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Sản xuất phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh, đô thị và hỗ trợ nông dân ở TP. Đà Nẵng” do các đối tác Nhật Bản hỗ trợ thực hiện. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, ông Hisami Arakawa – Thị trưởng Thị trấn Chikujo (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản), ông Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng DISED và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).


Dự án “Sản xuất phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh, đô thị và hỗ trợ nông dân ở TP. Đà Nẵng” là một dự án về môi trường và nông nghiệp đô thị, với sự hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản- JICA và Thị trấn Chikujo, Đại học Kuyshu, Đại học Saga. Dự án thực hiện từ tháng 3-2015 đến tháng 2-2017 nhằm mục tiêu chuyển giao công nghệ kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ hoá lỏng từ Nhật Bản, bao gồm các hoạt động: xây dựng cơ sở sản xuất thí điểm phân bón hoá lỏng hữu cơ; sử dụng sản phẩm phân bón hoá lỏng thí điểm trên các khu công nghiệp huyện Hoà Vang; tiến hành các giờ học giáo dục môi trường tại các trường THCS huyện Hoà Vang để nâng cao nhận thức về dự án.


Cơ sở sản xuất thí điểm nguồn phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh được tiến hành tại bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu vào tháng 7-2016 và chính thức vận hành từ tháng 10-2016. Cơ sở có năng lực xử lý 3,5 tấn/ngày và sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là lượng rác thải vệ sinh toàn thành phố. Sau khi vào bể tiếp nhận qua quy trình lọc, lên men, khử mùi…sẽ tạo ra lượng sản phẩm tầm 90% lượng nguyên liệu đưa vào. Lượng phân bón hoá lỏng này đã được ứng dụng thử nghiệm tại một số vùng nông nghiệp Hoà Vang, cụ thể trên diện tích khoảng 2 ha với khoảng 40 hộ nông dân tại xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Phó phòng nông nghiệp huyện Hoà Vang, qua thời gian thử nghiệm phân bón hoá lỏng cho thấy, ưu điểm của việc bón phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh giúp cây trồng phát triển nhanh hơn, giá trị của cây trồng cũng cao hơn. Sau khi thử nghiệm sản phẩm trên các loại rau muống, xà lách... cho thấy rau của phân bón hữu cơ hoá lỏng phát triển tốt hơn so với sử dụng phân bón hóa học; các thành phần hữu cơ của phân bón hữu cơ hoá lỏng rất cần thiết cho các cánh đồng. Đặc biệt, thành phần hữu cơ của các vùng đất Hoà Vang đang rất thiếu nên người dân mong muốn sử dụng phân hữu cơ hoá lỏng để góp phần vào việc cải tạo đất.

Ông Arakawa Hisami, Thị trưởng thị trấn Chikujo (Nhật Bản) chia sẻ, công nghệ sử dụng phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh đã được áp dụng tại Chikujo hơn 20 năm và được đánh giá rất cao tại Nhật Bản. Việc tái chế nguồn rác thải của xã hội và tái sử dụng vào nông nghiệp tạo ra một vòng tuần hoàn liên tục, không gây tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, chi phí sản xuất nông nghiệp giảm xuống nhờ tiết kiệm chi phí xử lý, chi phí nhân công và chi phí phân bón hữu cơ rẻ hơn nhiều so với phân bón hoá học, nhờ thế thu nhập của người nông dân được tăng lên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về việc mở rộng ứng dụng phân bón lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh để cải tạo đất lâm nghiệp, vành đai, dải cây xanh phân cách trên địa bàn. Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho biết, tháng 6 năm 2017, dự án sẽ đăng ký với JICA và nếu được thông qua sớm thì đến tháng 11-12/2017 sẽ tiến hành mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, từ 3,5 tấn lên 10 tấn và cấp xe bồn chuyên dụng. Với sự thành công về dự án môi trường tại thành phố hơn 1 triệu dân như thành phố Đà Nẵng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các thành phố khác, do đó, việc phát triển rộng sớm quy mô của dự án tái sử dụng chất thải nhà vệ sinh mang lại ý nghĩa quan trọng.

                                                                                  CÔNG TÂM (Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng)

Các bản tin khác :