Trang chủ » Tin tức

TP.HCM: Tìm giải pháp quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt

Tại buổi Tọa đàm “ Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường  tại TP.HCM” do Sở TN&MT TP.HCM và Báo Sài gòn Giải phóng tổ chức ngày 9/5,  các đại biểu đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp quản  lý hiệu quả nguồn chất thải rắn sinh hoạt, một vấn đề luôn “nóng” của TP.HCM.


Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Chương trình hành động giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 -2020 của TP.HCM với 16 mục tiêu cụ thể được thực hiện thông qua 4 nhóm giải pháp: giải pháp giảm ô nhiễm không khí và nước; giảm ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải nguy hại; cải tạo phục hồi những khu vực  ô nhiễm;  khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.


Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại buổi Tọa đàm

Trong đó, công tác  quản lý chất thải rắn sinh hoạt được đặt ra là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì  áp lực dân số của Thành phố hiện tại trên 14 triệu người, mỗi ngày thải khoảng 8.000 tấn rác thải sinh hoạt. Theo mục tiêu của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý an toàn;  giảm công nghệ  chôn lấp rác hợp vệ sinh còn 60%, nâng khối lượng rác được tái chế, đốt phát điện, sản xuất phân compost lên 40%... Tuy nhiên, theo các đại biểu dự  buổi tọa đàm, hiện nay, tình trạng xả rác không đúng quy định còn diễn ra khá phổ biến ở những vùng giáp ranh và các khu vực huyện ngoại thành, quận vùng ven. Nguyên nhân được cho là do ý thức của một bộ phận cư dân có thói quen xả rác bừa bãi; sự buông lỏng quản lý của cán bộ cơ sở khiến cho một bộ phận hộ gia đình, đơn vị không ký hợp đồng, hoặc thỏa thuận với các đơn vị thu gom rác…  

Hiện nay, 60% khối lượng rác sinh hoạt do lực lượng rác dân lập thu gom, 40 %  do lực lượng  rác chính quy là các công ty dịch vụ công ích công cộng thu gom.  Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Thành phố, chất lượng thu gom rác của lực lượng rác dân lập còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Trong đó, phương tiện thu gom của lực lượng này quá thô sơ, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; không phối hợp đồng bộ  với các đơn vị vận chuyển rác  về các khu xử lý; đặc biệt là tình trạng bỏ ngày không lấy rác khiến rác bị ùn ứ trong các hộ gia đình và khu dân cư.

.
Quang cảnh buổi tọa đàm

Thời gian qua, rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom được tập trung tại  1.000 điểm  hẹn xen cài trong khu dân cư. Tuy nhiên do không được đầu tư hạ tầng cần thiết để tiếp nhận, lưu giữ rác tạm thời hợp vệ sinh nên các điểm hẹn thường xuyên gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Ngoài ra, tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác thải để phát điện và sản xuất phân compost đang gặp nhiều khó khăn về giá bán điện thấp và khó có đầu ra cho loại phân compost.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM thì cho rằng, Thành phố cần thay đổi trong chính sách kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ mới ( đốt phát điện, sản xuất phân compost). Thay vì chi trả giá xử lý rác đầu vào cao như hiện nay, Thành phố nên tạo cơ chế nâng giá, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm sau xử lý để kích thích doanh nghiệp đổi mới công nghệ đầu tư có chiều sâu vào việc xử lý rác. Có như vậy, mục tiêu giảm lượng rác chôn lấp còn 60% vào năm 2020 mới có thể hoàn thành được.

Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Toàn Thắng đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, qua đó vạch ra 6 nhóm giải pháp mà TP.HCM cần thực hiện để thu gom, vận chuyển, xử lý hiệu quả khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày rất lớn của thành phố. Theo đó, TP.HCM cần tăng cường quản lý hiệu quả lực lượng gom rác dân lập; đầu tư hoàn chỉnh  các trạm trung chuyển, điểm tiếp nhận rác phù hợp về cự ly, vị trí và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường;  triển khai phân loại rác tại nguồn cho 2.4 triệu hộ gia đình trên địa bàn thành phố; thay thế các xe thu gom, vận chuyển rác không đạt chuẩn bằng các loại xe phù hợp; quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm chôn lấp rác bằng các công nghệ xử lý rác hiện đại, vừa ít tốn diện tích đất, vừa tái sử dụng được rác thải; đảy mạnh hơn nữa việc phân cấp công tác quản lý công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng các biện pháp tập huấn, tư vấn cách làm và chủ trương chính sách phù hợp…

                                                                                   Nguyễn Quỳnh (Báo Tài nguyên và Môi trường)

Các bản tin khác :