Ngày 21-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc đoàn công tác Tổ chức GIZ-Nexus (Đức) về kết quả khảo sát và đề xuất phương án cải thiện công tác quản lý chất thải rắn tại Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của GIZ-Nexus cho biết, qua nghiên cứu các điều kiện cụ thể tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt là chất thải có chứa lượng nước cao và điều kiện kinh tế, GIZ-Nexus đề xuất 2 phương án xử lý chất thải: xử lý nhiệt với khử nước ngược dòng; xử lý cơ – sinh học (MBT) dựa trên công nghệ MYT Kahlenberg. Phương pháp xử lý nhiệt sẽ tái tạo lượng điện 91.000MWh/năm, với chi phí đầu tư 100 triệu USD, chi phí vận hành 5,5 triệu USD/năm, và dự kiến doanh thu điện 9,3 triệu USD/năm. Trong khi đó, nhà máy xử lý cơ – sinh học (MBT) sẽ tái tạo lượng điện 38.000MWh/năm, có chi phí đầu tư khoảng 55 triệu USD, chi phí vận hành 7,4 triệu USD/năm, dự kiến doanh thu 14 triệu USD/năm. Theo chuyên gia GIZ-Nexus, về mặt công nghệ, cả 2 phương pháp này đều thân thiện với môi trường, nước thải ra của quy trình đều đạt tiêu chuẩn TCVN 5945 2010.
Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn làm việc với đoàn công tác GIZ-Nexus
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đoàn công tác GIZ-Nexus đã đưa ra những phương án rất hữu ích cho công tác quản lý chất thải rắn tại thành phố; đồng thời chia sẻ thêm, bãi rác Khánh Sơn hiện đã đóng cửa gia đoạn 1, và sẽ tiến tới đóng cửa hoàn toàn vào năm 2020. Thành phố đã chọn địa điểm mới xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại Hòa Nhơn với diện tích 70ha. Chủ trương của thành phố là hệ thống xử lý chất thải mới phải xử lý được hơn 90% rác thải, và sẽ xây dựng bằng hình thức xã hội hóa kêu gọi tư nhân đầu tư.
Trên cơ sở 2 phương án của chuyên gia GIZ-Nexus, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ các công nghệ được đề xuất; đồng thời, Phó Chủ tịch cũng đề nghị, trong báo cáo chính thức của đoàn công tác, các chuyên gia GIZ-Nexus có ý kiến đề xuất chọn một phương án tối ưu nhất, phù hợp nhất với các điều kiện của Đà Nẵng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố đưa ra hướng lựa chọn công nghệ trong mời thầu dự án.
NGÔ HUYỀN (Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng)