Trang chủ » Tin tức

Thụy Điển: Quốc gia quanh năm phải lo lắng về số lượng rác nhập khẩu

Hiện nay lượng rác thải xả ra hàng ngày càng tăng nhanh ở vùng đô thị và nông thôn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước tình hình này nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ xử lý rác thải, qua đó thể hiện trách nhiệm đối với môi trường, đồng thời cũng thu lợi từ nguồn “tài nguyên” đang bị lãng phí này.

Từ nhập khẩu rác…
Đối với Thụy Điển, rác là nguồn nguyên liệu cung cấp điện và nhiệt sưởi ấm cho hàng trăm nghìn hộ gia đình tại nước này. Do có vị trí địa lý ở khu vực Bắc Âu lạnh giá nên giải pháp xử lý rác hàng đầu ở Thụy Điển là đốt để sản xuất nhiệt điện và cấp nhiệt cho hệ thống sưởi ấm. Từ nhiều năm nay, Thụy Điển đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tái chế, tái sử dụng rác thải với tỷ lệ cao.


Thụy Điển đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tái chế

Khi không còn đủ rác để sưởi ấm, Thụy Điển đã thương lượng để nhập khẩu rác từ các nước khác. Hàng năm, hơn 30 lò đốt đặt trên lãnh thổ Thụy Điển tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác, chất thải, trong đó 20%, tương đương khoảng một triệu tấn, phải nhập khẩu từ Na Uy, Anh hoặc Italy. Ngoài ra, Thụy Điển đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác là rác trên các đại dương. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển, việc tiếp cận các núi rác trên biển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là nhập khẩu các nguồn rác thải trên lục địa. Dù vậy, một số phương án được đưa ra, trong đó khả thi nhất là Thụy Điển sẽ tái chế rác đại dương tại đảo Hawaii, Mỹ. Dù hiện giờ phương án này còn đang được hai chính phủ xem xét nhưng các nhà khoa học và kinh tế đều tin tưởng khả năng hợp tác của hai nước là rất cao.

Thụy Điển hiện được coi là nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng và bài học kinh nghiệm cho Cộng hòa Czech (Séc), Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan. Theo chuyên gia năng lượng Adis Dzebo tại Viện Môi trường Stockholm, Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, việc sản xuất nhiệt và điện phụ thuộc chủ yếu vào khí đốt hoặc nguyên liệu hóa thạch thì ở Thụy Điển, hoạt động này lại dựa vào quá trình sử dụng rác thải.


Thụy Điển hiện được coi là nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng

Vấn đề là Thụy Điển đã thực hiện công tác tái chế rác thải tốt đến mức không còn đủ rác để đáp ứng nhu cầu. Sau khi 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt thì chỉ còn 1% rác được đưa đi chôn lấp trong lòng đất. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, Thụy Điển hiện đang nhập khẩu rác trong bối cảnh những quốc gia khác phải “đau đầu” tìm biện pháp xử lý số rác này.

Theo Hiệp hội Quản lý Rác thải của Thụy Điển (Avfall Sverige), trong năm 2014, nước này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Vương quốc Anh và Na Uy. Trong đó, riêng công ty Renova đã nhập khẩu 100.000 tấn rác để bổ sung cho 435.000 tấn được “sản xuất nội địa.” Giám đốc truyền thông của công ty năng lượng Sysav cũng cho biết đơn vị này đã phải nhập khẩu 135.000 tấn rác từ Na Uy và Vương quốc Anh trong cùng năm.

Quy trình biến rác thải thành năng lượng tại Thụy Điển hoạt động theo trình tự sau, trước hết, các vật liệu có thể tái chế sẽ được phân loại, tiếp đó số rác còn lại sẽ được chuyển đến các lò đốt để tạo ra nhiệt. Từ đống tro sót lại, các mảnh kim loại vẫn chưa cháy hết sẽ được tách rời và tái chế, còn đồ sứ và ngói thì được chọn lọc để sử dụng trong thi công đường bộ. Ngoài ra, nhiệt từ rác còn được sử dụng để đun nước tạo ra hơi làm quay các tuabin sản sinh điện.

Tuy nhiên, quá trình trên cũng vấp phải một số ý kiến phản đối do lo ngại quá trình đốt rác thải ra khói độc. Dù quá trình xử lý rác thải vẫn chưa hoàn hảo nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển cho biết với kỹ thuật được cải tiến và việc lọc khói đang được triển khai thì lượng khí độc hại thải ra cũng đang giảm dần và ở mức cho phép. Theo ước tính của Avfall Sverige, Thụy Điển sẽ nhập khẩu 2,3 triệu tấn rác trong năm 2020. Trước những tín hiệu tích cực trên từ Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện các nước như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang tích cực học hỏi kinh nghiệm biến rác thành năng lượng của Thụy Điển.

…đến tái chế nhiều loại rác thải
Ban tổ chức Thế vận hội mùa Hè 2020 (Olympic 2020) ở Nhật Bản cho biết sẽ “biến” rác thải điện tử thành huy chương cho sự kiện này cũng như Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) diễn ra tiếp ngay sau đó. Theo kế hoạch, Ban tổ chức Olympic 2020 sẽ thu gom tám tấn kim loại trên khắp cả nước, để làm ra 5.000 tấm huy chương cho hai sự kiện Olympic và Paralympic.

Ban tổ chức Olympic 2020 cũng kêu gọi người dân giúp đỡ họ bằng cách tình nguyện quyên góp máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, điện thoại cũ hỏng… tại các quầy thu gom được đặt ở hơn 2.000 cửa hàng và các văn phòng của NTT Docomo – nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động hàng đầu Nhật Bản đồng thời là nhà tài trợ chính của Olympic 2020.

Mới đây, tập đoàn xử lý rác thải Veolia (Pháp) đã ký một thỏa thuận trị giá 886 triệu euro (khoảng 1 tỷ USD) với thủ đô Mexico City của Mexico để xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tại Mexico. Theo nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp), lò đốt rác thải trên dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 và sản xuất lượng điện năng 965 GWh/năm phục vụ cho tuyến tàu điện ngầm nội đô của thành phố Mexico City.

Trước đó, Tập đoàn Veolia đã thắng thầu dự án thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy xử lý rác thải trên trong vòng 30 năm, với công suất 4.565 tấn rác/ngày, tương đương 1/3 lượng rác thải mỗi ngày của thủ đô Mexico City. Chủ tịch điều hành Veolia Antoine Frerot cho biết lò đốt rác áp dụng công nghệ tiên tiến nhất sẽ góp phần làm sạch không khí tại khu đô thị Mexcio City với hơn 20 triệu dân, hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng./

                                                                                                                    Theo thiennhien.net

Các bản tin khác :