Hơn 99% chất thải hộ gia đình tại Thụy Điển đều được tái chế, không cách này thì cách khác.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem về một quốc gia mà ở đó, những núi rác thải hôi hám gần như không còn, tất cả rác thải ra từ các hộ gia đình đều được biến thành thứ khác, những sản phẩm mới, nguyên liệu, khí đốt hay ít nhất là cung cấp nhiệt. Thụy Điển đã tiệm cận với viễn cảnh tuyệt vời đó.
Chỉ trong vòng hơn 10 năm qua, Thụy Điển đã và đang trải qua cuộc cách mạng tái chế chưa từng có, trong khi vào năm 1975, chỉ có 38% rác thải từ các hộ dân tại nơi này được tái chế. Ngày nay, các trạm tái chế thường bố trí cách những khu dân cư không quá 300 mét. Hầu hết người dân đều phân loại rác có thể tái chế ngay tại nhà và mang nó đến bỏ vào các thùng chứa đặc biệt tại căn hộ của họ hoặc trạm tái chế. Lượng chất thải phải đi đến những bãi rác rất ít.
Tăng cường tái chế
Theo Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý và tái chế chất thải Thụy Điển Weine Wiqvist, vẫn nghĩ rằng Thụy Điển có thể làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của ông là biến 1/2 lượng rác thải sinh hoạt thành năng lượng thông qua việc đốt. Ông Weine Wiqvist cho biết thêm ,việc tái sử dụng vật liệu hoặc sản phẩm đồng nghĩa với việc sử dụng ít năng lượng hơn để tạo ra một sản phẩm mới, so với việc đốt cháy nó và tạo ra một sản phẩm khác hoàn toàn mới. Nói cách khác, mong muốn ông họ là thúc đẩy việc tái chế vật liệu thay vì đốt.
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng của việc tái chế chất thải ở Thụy Điển trong vòng một thập kỷ qua
Trong khi đó, các hộ gia đình ở Thụy Điển luôn có ý thức phải phân loại những tờ báo, đồ nhựa, kim loại, thủy tinh, thiết bị điện, bóng đèn và pin vào các túi khác nhau. Nhiều nơi cũng khuyến khích người dân nên phân loại rác thải từ thực phẩm. Tất cả những thứ này đều sẽ được tái sử dụng, tái chế hoặc chuyển thành phân hữu cơ. Những xuất bản phẩm như báo, tạp chí sẽ được chất đống để dùng cho các mục đích khác nhau, chai nhựa được tái sử dụng hoặc làm chảy ra và tạo thành các mặt hàng mới, các thùng chứa bằng nhựa trở thành nhựa nguyên liệu, thực phẩm thừa sẽ được biến thành phân bón sinh học hoặc khí biogas thông qua một quá trình hóa học phức tạp.
Những chiếc xe chở rác cũng vận hành nhờ năng lượng tái tạo hoặc khí biogas. Ngoài ra, nước bị ô nhiễm cũng được xử lý để có thể uống được. Sẽ có những xe rác đặc biệt chay khắp các thành phố và thu các thiết bị điện tử không còn sử dụng và các chất thải gây nguy hại như hóa chất. Những nhà thuốc chấp nhận nhận lại số thuốc dư sau thời gian trị bệnh của người tiêu dùng. Người dân Thụy Điển cũng sẽ tự mang những thứ không còn sự dùng với kích thước lớn hơn như TV hay đồ nội thất tới các trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố.
Xử lý chất thải
Chất thải là một loại nhiên liệu tương đối rẻ và Thụy Điển đã sớm nhận biết được điều này khi họ đầu tư vào việc phát triển các quy trình xử lý chất thải có hiệu quả từ đó mang về lợi nhuận. Năm 2014, Thụy Điển thậm chí đã phải nhập 2.7 triệu tấn chất thải từ các quốc gia khác cho việc đốt để chuyển hóa thành năng lượng bởi nguồn rác trong nước gần như cạn kiệt.
Người dân đổ rác theo các loại khác nhau vào từng thùng chứa. Khi các thùng đầy, hệ thống hút chân không sẽ hoạt động, kéo rác thải đi đến nơi xử lý thông qua hệ thống ống ngầm bên dưới lòng đất.
Sau khi đốt, phần tro còn sót lại thường có trọng lượng bằng khoảng 15% so với khối lượng rác thải ban đầu. Từ tro này, kim loại sẽ được tách ra và đem đi tái chế, trong khi phần còn lại như đồ sứ hoặc ngói, những thứ khó cháy hơn sẽ được sàng lọc để dùng cho mục đích khác chẳng hạn như làm đường lộ. Sau khi trải qua tất cả các quá trình nêu trên, 1% còn lại sẽ được chuyển đến các bãi rác. 99.9% khói phát ra từ các lò đốt là carbon dioxide không độc hại và nước, nhưng sau đó chúng vẫn phải được xử lý thông qua các bộ lọc khô và nước trước khi thải ra môi trường. Nước chứa cặn sẽ được đổ vào các mỏ bị bỏ hoang sau khai thác. Tại Thụy Điển, việc đốt chất thải để sản xuất năng lượng là điều bình thường tuy nhiên ở một số quốc gia khác chẳng hạn như Mỹ, đây là một chủ đề vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều.
Vẫn còn có thể làm tốt hơn
Hans Wrådhe thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển đang tính đến chuyện tăng thuế đối với việc thu gom chất thải. “Điều đó sẽ giúp gia tăng nhận thức của mọi người đối với vấn đề”, ông cho biết. Cùng với các cơ quan chính phủ và các tập đoàn, Wrådhe đã xây dựng một kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu ngăn ngừa phát sinh chất thải, bao gồm cả việc khuyến khích các nhà sản xuất chế tạo các sản phẩm bền vững. Cơ quan chức năng cũng xem xét khấu trừ thuế cho một số dịch vụ sửa chữa. “Những quảng cáo được chính phủ tài trợ có nội dung thể hiện cách tránh lãng phí thực phẩm cũng có thể giúp giải quyết vấn đề”, ông nói.
Nỗ lực từ phía các công ty
Một số công ty tại Thụy Điển cũng bắt đầu tự nguyện tham gia vào cuộc chiến nhằm giảm lượng chất thải. H&M, công ty bán lẻ quần áo đa quốc gia có trụ sở chính tại Thụy Điển hiện đã chấp nhận việc nhận lại quần áo cũ từ khách hàng để đổi cho họ các phiếu giảm giá. Một công ty khác là Optibag đã phát triển một cỗ máy có thể phân loại các túi chất thải theo màu sắc khác nhau. Mọi người ném thức ăn thừa vào các túi màu xanh lá cây, giấy cho vào túi màu đỏ, trong khi thủy tinh hoặc kim loại thì cho vào một túi khác. Tại nhà máy tái chế, hệ thống của Optibag có thể sắp xếp các túi này một cách tự động, từ đó cắt giảm bớt các trạm phân loại chất thải.
Thành phố Helsingborg ở miền Nam Thụy Điển thậm chí đã lắp đặt các thùng rác công cộng với loa để phát các bài nhạc vui vẻ - tất cả đều vì mục tiêu tái chế. “Không có chất thải - đó là khẩu hiệu của chúng tôi”, theo ông Wiqvist, Giám đốc Hiệp hội Quản lý và Xử lý chất thải Thụy Điển. “Chúng tôi muốn giữ cho lượng chất thải ở mức thấp nhất và tất cả chất thải nếu có thì đều phải được tái chế bằng mọi cách. Chắc chắn là không có gì tuyệt đối nhưng nó rõ ràng là một ý tưởng hấp dẫn”.