Đứng trước tình trạng môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, mới đây Thủ tướng Ấn Độ đã công bố nước này sẽ chấm dứt sử dụng tất cả loại nhựa dùng một lần ở nước này vào năm 2022.
Mới đây Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố cam kết được xem là tham vọng nhất trong chiến dịch thu hút sự tham gia của khoảng 60 nước trên toàn thế giới nhằm chung tay chống tình trạng ô nhiễm nhựa. Dẫn thông tin từ Guardian, Tuổi trẻ đưa tin cho hay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây cho biết, nước này sẽ chấm dứt sử dụng tất cả loại nhựa dùng một lần ở nước này vào năm 2022. Quyết định trên góp phần quan trọng trong nỗ lực này vì tổng dân số Ấn Độ lên đến 1,3 tỉ người.
“Lựa chọn của chúng ta ngày nay sẽ quyết định tương lai chung của chúng ta sau này”, Guardian hôm 6/6 dẫn lời Thủ tướng Modi nhân ngày Môi trường Thế giới cho hay. “Không dễ gì đưa ra chọn lựa. Tuy nhiên thông qua nhận thức, công nghệ và quan hệ đối tác toàn cầu, tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất”, ông nhấn mạnh.
Một con bò kiếm ăn trong đống rác nhựa tại New Delhi. Ảnh: EPA.
Ấn Độ được biết đến là một quốc gia ô nhiễm bậc nhất thế giới, cùng với sự phát triển kinh tế thì môi trường của nước này cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng và ngày càng đáng báo động. Ấn Độ có đường bờ biển dài 7.500km, cũng công bố một chiến dịch hành động quốc gia chống rác biển và một chương trình nhằm đánh giá có bao nhiêu rác nhựa đã được thải vào vùng biển của nước này. Quốc gia Nam Á cũng cam kết sẽ biến 100 địa điểm có các công trình nổi tiếng sạch bóng rác, trong đó có đền Taj Mahal.
“Suy thoái môi trường gây hại cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhiều nhất” ông Modi giải thích. Trong một ví dụ cho thấy cách làm việc "nói là làm", nhà lãnh đạo Ấn Độ hồi năm 2014 cam kết sẽ mang điện đến với gần 20.000 người sống trong tình trạng thiếu điện ở nước này vào năm 2019. Hôm 28/4 vừa qua, ông Modi tuyên bố mục tiêu này đã đạt được.
Nhiều quốc gia nỗ lực cắt giảm rác thải nhựa
Theo TTXVN, trong một báo cáo nhân ngày Môi trường thế giới diễn ra hôm 6/5 vừa qua, Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc,…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc trong ngày Môi trường thế giới, Chính phủ Anh khẳng định sẽ cấm bán ống hút, dụng cụ khuấy đồ uống và bông ngoáy tai, bằng nhựa vào cuối năm 2018.
Nhiều quốc gia đang đối mặt với ô nhiễm rác thải nhựa
Trước đó, Anh cũng từng cam kết cấm sử dụng hạt vi nhựa trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Các chính sách này nhằm giảm số lượng sản phẩm nhựa đang lưu thông và cải thiện tỷ lệ tái chế. Một số quốc gia EU khác như Pháp, Italy cũng đề ra chính sách hạn chế việc sử dụng túi nylon, chai nhựa, khuyến khích các sản phẩm có thể phân hủy. Trung Quốc - một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn cũng đã cấm sản xuất, phân phối các loại túi nylon sử dụng một lần.
Nhiều sinh vật biển đang nuốt hàng trăm mảnh rác nhựa mỗi ngày
Và theo một nghiên cứu mới công bố hồi tháng 2/2018, các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo rằng những sinh vật biển cỡ lớn như cá voi đang nuốt hàng trăm mảnh rác nhựa mỗi ngày, gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Cụ thể, nhóm chuyên gia từ ĐH Murdoch (Úc) đã đưa ra kết luận rằng rác nhựa có tác động rất lớn các loài vật có phương pháp ăn theo cơ chế "lọc", như cá voi, cá đuối. Mỗi ngày chúng hút hàng ngàn lít nước vào bụng, rồi dùng răng giữ lại thức ăn. Và cũng trong quá trình ấy, chúng vô tình nuốt theo hàng trăm mảnh rác nhựa nữa.
Nhóm sinh vật có nguy cơ cao nhất là những loài sống tại những khu vực biển bị ô nhiễm, như rạn san hô Coral Triangle, Vịnh Bengal, Vịnh Mexico, và phần lớn khu vực biển Địa Trung Hải. Tác động của rác nhựa đến cơ thể sinh vật thì vô cùng. Theo báo cáo trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution, các phân tử nhựa không thể tiêu hóa có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển của cơ thể sinh vật, nếu như tích tụ đủ trong nhiều năm.
“Thực tế là dù có nhiều nghiên cứu về nhựa siêu nhỏ trên đại dương, nhưng có rất ít nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng đến các sinh vật lớn”, - trích lời Elitza Germanov - tác giả nghiên cứu. "Chúng tôi đang cố gắng đánh giá đúng quy mô của câu chuyện này." "Nhưng thực tế rất rõ ràng, đó là các hạt vi nhựa có khả năng làm giảm số lượng loài, trong đó có cả những loài sống rất lâu nhưng vốn có ít con cái."
Hồi tháng 12/2017, đã có nhiều nghiên cứu cảnh báo mối đe dọa đến từ rác nhựa có thể đẩy nhiều loài cá voi, cá heo đến bờ vực tuyệt chủng. “Hàng ngàn tấn rác nhựa loại "dùng một lần" đã trôi dạt ra các đại dương, giết chết hàng ngàn cá voi, cá heo và nhiều loài vật khác”, - Sally Hamilton - giám đốc dự án nghiên cứu Orca cho biết.
Theo moitruongvadothi.vn