Ngày 29-5, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo “Xúc tiến đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng”. Tham dự hội thảo có hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lượng rác thải tăng nhanh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đặt vấn đề, những năm gần đây, lượng rác thải của thành phố Đà Nẵng tăng nhanh với thành phần ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều vấn đề môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình hình này đặt ra cho thành phố nhiều thách thức trong việc cung ứng hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải. Từ giữa năm 2017, thành phố bắt đầu triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, ADB là đơn vị tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng hồ sơ dự thầu và tổ chức đấu thầu. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom, xử lý 100% chất thải rắn và bùn thoát nước; thực hiện phân loại rác tại 6 quận nội thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng)
Theo ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày tại Đà Nẵng thu gom khoảng 850-900 tấn chất thải rắn sinh hoạt (tỷ lệ thu gom đạt 94-95%), sau đó xử lý bằng cách chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Với diện tích 32,4ha, dự kiến bãi rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình thiết kế vào năm 2020. Ông Nam cho biết, tỷ lệ phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại Đà Nẵng còn thấp, dẫn đến lãng phí tài nguyên rác thải, giảm tuổi thọ bãi rác và tăng nguy cơ ô nhiêm môi trường. Do đặc thù tự nhiên, chất thải rắn sinh hoạt của thành phố có hàm lượng chất hữu cơ và độ ẩm lớn, gây khó khăn trong việc vận chuyển, xử lý và dễ gây nguy hại cho môi trường.
Kết quả khảo sát của ADB cho thấy, thành phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong rác thải rắn đô thị của Đà Nẵng là chất hữu cơ (40-60%), tiếp đến là nhựa (10-30%) và giấy (5-20%). Hàm lượng độ ẩm của rác khi được đưa tới bãi chôn lấp là khoảng 60-80% và thay đổi theo mùa. Đà Nẵng đặt ra mục tiêu xử lý chất thải rắn theo hướng tăng cường tái sử dụng, tái chế và tái sinh để giảm khối lượng chất thải xử lý.
Rác được chôn lấp vào hộc rác ở bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thu gom, vận chuyển; xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghệ cao và bền vững để giảm nguy hại đến môi trường. Tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ thu gom và xử lý 100% chất thải rắn, trong đó có 95% được tái chế và tái sử dụng; công tác phân loại rác được thực hiện trên toàn thành phố.
Công suất tối thiểu 1.000 tấn/ngày
Giới thiệu về dự án đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn trong khuôn khổ Quy hoạch “Xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, ông Amer Chowdhury (đại diện cho ADB) nhấn mạnh: “Mấu chốt của dự án này là giúp Đà Nẵng xây dựng một nhà máy xử lý CTR đô thị bền vững, có công suất ban đầu tối thiểu 1.000 tấn/ngày và có thể được mở rộng trong tương lai. Ngoài ra, dự án đặt ra mục tiêu tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp để xử lý chất thải rắn đô thị, đồng thời giảm thiểu các ảnh hưởng môi trường tiêu cực do chất thải rắn gây ra tại Đà Nẵng”.
Theo ông Chowdhury, thành phố đang xem xét một số công nghệ khả thi như xử lý cơ sinh học, chuyển hóa rác thành năng lượng, tái chế chất thải rắn đô thị… Dựa trên việc đạt các chuẩn đầu ra và hiệu suất chính, nhà phát triển dự án dự kiến sẽ nhận được phí xử lý chất thải rắn từ UBND thành phố trong thời gian hợp đồng PPP. Hai địa điểm tiềm năng đã được xác định cho dự án này là khu vực lân cận phía đông nam bãi rác Khánh Sơn (tức mở rộng diện tích bãi rác hiện tại) và khu vực xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (tức đóng cửa bãi rác Khánh Sơn và dời tất cả rác thải về địa điểm mới).
Các nhà đầu tư tìm hiểu thực địa tại bãi rác Khánh Sơn sáng 28-5. Ảnh: KHANG NINH
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ, giới thiệu các công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm tìm ra công nghệ tối ưu, phù hợp với khả năng của thành phố. GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) trao đổi về các công nghệ xử lý rác thải hiện nay như: hình thức giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; chôn lấp xử lý chất thải rắn; xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh; công nghệ kỵ khí…
Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt – Đức đề xuất công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn tại Đà Nẵng. Với công nghệ này, ưu điểm lớn là không cần phân loại rác tại nguồn mà chỉ phân loại ngay trong nhà máy; đồng thời, hiệu suất của công nghệ điện rác tương đối cao, thời gian hoàn vốn khoảng 15 năm.
Trước đề xuất này, ông Chowdhury cho biết ADB và thành phố sẽ xem xét tính khả thi về công nghệ và tài chính. Theo đó, các công nghệ dự thầu phải được kiểm định thông qua lịch sử đầu tư; bảo đảm tính khả thi về bảo trì, bảo dưỡng; không gây quan ngại về môi trường, xã hội.
Trước việc nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với dự án, lãnh đạo thành phố cho biết, sau khi lựa chọn địa điểm, thành phố cam kết sẽ giao mặt bằng sạch, hệ thống giao thông thuận lợi. Các đơn vị dự thầu có thể tối đa hóa doanh thu bằng nguồn thu từ các hoạt động tái chế, bán các sản phẩm trung gian (như phân bón), bán điện, nhiệt… Lãnh đạo thành phố, đại diện ADB và các bộ, ngành Trung ương cũng giải đáp những thắc mắc về lộ trình phân loại rác tại nguồn, đầu ra cho sản phẩm sau khi tái chế rác, hỗ trợ của Chính phủ, ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, mọi ý kiến của các nhà đầu tư tiềm năng sẽ được thành phố và ADB tiếp thu, đưa vào chương trình nghị sự trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, đây là bước khởi đầu trong công tác xúc tiến đầu tư cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, từ đó kết nối, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm minh bạch, khách quan trong quá trình thu hút đầu tư, triển khai dự án.
Đặc biệt, Đà Nẵng ưu tiên thu hút các hồ sơ đảm bảo công nghệ, chất lượng môi trường và phù hợp với khả năng của thành phố. Đà Nẵng cũng đề nghị ADB đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghiên cứu khả thi của dự án, hỗ trợ thành phố thăm dò thị trường, làm việc với các nhà đầu tư…
KHANG NINH (Báo Đà Nẵng điện tử)