Lạ lẫm và thích thú là cảm nhận của nhiều người Hà Nội khi tận mắt nhìn những công nhân môi trường trong màu áo xanh quen thuộc rong ruổi đạp xe khắp các ngõ, phố để thu gom rác.
Hình ảnh những công nhân lưng áo đẫm mồ hôi cặm cụi làm sạch đường phố có tác động không nhỏ đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người Hà Nội. Dù thực tế còn không ít băn khoăn, nhưng với những hiệu quả bước đầu, hình ảnh những chiếc “xe đạp xanh” đã trở thành thông điệp đẹp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay làm sạch môi trường Thủ đô.
Thân thiện và văn minh
Với chiếc xe đạp màu xanh, người điều khiển mặc đồng phục xanh, hai thùng rác có giá đỡ chắc chắn phía sau cũng màu xanh… những công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đạp xe hết vòng này đến vòng khác quanh những tuyến phố trung tâm. Hình ảnh ấy không chỉ thu hút sự tò mò của tôi mà nhiều người cũng hứng thú nhìn về phía họ. Theo những vòng bánh xe quay đều từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, mọi loại rác đều được thu gom khiến khu vực đường dạo quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố trung tâm thành phố như Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay luôn sạch sẽ... Đây là phương thức thu gom rác lần đầu tiên thực hiện tại Hà Nội, mang đến cái nhìn thật mới mẻ với phong cách văn minh, thân thiện. Chị Quách Hà Thúy (Hà Giang) tham quan hồ Hoàn Kiếm vui vẻ cho biết: Lần đầu tiên tôi nhìn thấy công nhân môi trường nhặt rác bằng xe đạp. Hình ảnh đó lạ lẫm, khác hẳn với phương thức thu rác truyền thống. Màu xanh của trang phục công nhân, của xe, của thùng rác khiến người ta nghĩ ngay đến việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, dòng chữ "đừng vứt rác ra đường" in trên lưng áo các công nhân khiến mỗi người phải suy nghĩ về những hành động xả rác thiếu ý thức của mình.
Những chiếc “xe đạp xanh” góp phần gìn giữ môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Lặng lẽ cùng những vòng bánh xe đạp lăn, men theo những tuyến phố, hễ có túi ni lông, giấy, chai lọ… các anh, chị lại dừng xe, nhặt bỏ vào thùng phía sau. Nhiều người dân bên đường khi thấy vậy cũng mang rác bỏ vào. Khi hai thùng rác đã đầy, những người công nhân môi trường chuyển rác vào thùng cố định bên đường, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Một chủ cửa hàng trên phố Cầu Gỗ cho biết: Từ ngày có công nhân môi trường đi bộ thu gom rác và sau đó có thêm xe đạp đi thu gom, khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm sạch sẽ hơn, và khiến người dân chúng tôi cũng suy nghĩ về việc này. Trời nắng thế, lưng áo các chị em sũng ướt mồ hôi trong cái nắng của Hà Nội làm nhiều người thấy áy náy. Tôi tin người dân sẽ phải có ý thức hơn và nạn xả rác bừa bãi sẽ được hạn chế phần nào.
Ngày 5-8, hết giờ làm việc, chị Hồ Thị Kim Thu, Tổ phó sản xuất Tổ 2 khu vực hồ Hoàn Kiếm (Chi nhánh Hoàn Kiếm - Urenco 2) vừa quạt vừa tranh thủ kể với tôi: Ngày nào cũng thế, tờ mờ sáng chúng tôi đã phải dọn sạch tinh tươm toàn bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, kể cả làm sạch mặt nước của hồ. Sau 8h, hai công nhân chuyên đạp xe và một người đi bộ đẩy thùng inox trên phố để thu gom rác. Chúng tôi phân công nhau, mỗi người đi xe đạp một bên đường, trong ca làm việc từ 8h đến 12h, mỗi người đi khoảng 5 vòng xung quanh hồ. Không chỉ nhặt rác, các công nhân này còn có nhiệm vụ tuyên truyền để người dân không xả rác ra nơi công cộng. "Hồ Hoàn Kiếm là khu vực có ít rác thải sinh hoạt, nhưng rác vặt phát sinh liên tục từ sáng đến đêm khuya. Công việc của công nhân là đạp xe thu gom rác nhỏ, túi ni lông, vỏ chai… Việc đi xe đạp xung quanh hồ bảo đảm rác được thu dọn nhanh hơn, kịp thời hơn, công nhân cũng đỡ vất vả hơn so với đi bộ" - Chị Thu cho biết thêm.
Mô hình mới nên còn băn khoăn
Sử dụng mô hình "xe đạp xanh" cho phép cải thiện tốt hơn công việc, tăng năng suất cao hơn so với cách thu gom bằng đi bộ nhặt rác mà vẫn phù hợp với những nơi xe chuyên dụng không vào được, nhất là những góc hẹp, ngõ nhỏ, phố nhỏ, vỉa hè, vườn hoa... Cách làm này rất phù hợp với khu vực phố trung tâm của Thủ đô. Ngoài kịp thời thu gom rác giữ cho bộ mặt đô thị luôn sạch đẹp, hoạt động này còn có tác dụng tuyên truyền, làm thay đổi ý thức của cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh chung.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều ưu thế, loại hình thu gom rác này vẫn cần được tính toán cho hiệu quả hơn. Theo ông Vũ Xuân Đậu, phường Yên Hòa (Cầu Giấy), thu gom rác lớn và quét lá xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã có xe chuyên dụng, trên vỉa hè đã có công nhân đẩy thùng inox để thu gom rác, do vậy, người đi xe đạp chỉ thu nhặt rác ở mép đường… Như vậy, hiệu quả cũng không cao, lại tốn nhiều nhân lực. Chưa kể, 2 thùng rác phía sau xe đạp khá cồng kềnh, khi đi trên phố dễ va quệt với các phương tiện khác… Vì thế, việc phân vùng cho mỗi lực lượng tham gia thu gom rác sao cho hiệu quả nhất là rất cần thiết - ví như ở nơi bố trí người nhặt rác đi bộ trên vỉa hè rộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm thì có thể đảm nhận luôn việc thu gom rác ở lòng, lề đường; còn xe đạp nên "đi tua" ở quãng đường dài hơn, xa hơn...
Từ góc nhìn khác, một người lái xe ôm ở đầu phố Bà Triệu nhận xét: Tôi thấy những chiếc xe đạp nhẹ nhàng, sạch sẽ và thân thiện hơn, di chuyển nhanh và an toàn hơn so với xe đẩy. Nhưng vì là phương tiện thô sơ nên khi điều khiển xe đạp vào sát mép đường bên làn xe cơ giới để nhặt rác, vô tình đã trở thành người vi phạm Luật Giao thông đường bộ...
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Urenco cho biết: Thu gom rác bằng đi xe đạp bắt nguồn từ chủ trương đổi mới công nghệ, cơ giới hóa của Công ty. Sau khi triển khai thu gom bằng máy kết hợp sử dụng đội ngũ đi bộ dùng thùng nhỏ gom rác, từ đầu tháng 6, mô hình dùng xe đạp thu gom rác được thực hiện thí điểm với 5 xe. Hình thức "đi tua" này giảm được tối đa thời gian rác lưu cữu trên hè, đường. Với ưu điểm đó, cuối tháng 6, mô hình này được nhân rộng thành 25 xe, hoạt động ở 16 phường tại khu vực trung tâm, của quận Hoàn Kiếm (hai phường còn lại là Chương Dương và Phúc Tân sẽ triển khai sau).
Thừa nhận việc xe đạp thu dọn rác đi vào làn xe cơ giới là sai Luật Giao thông đường bộ, ông Nguyễn Hữu Chiến giải thích: Phía sau xe đạp đã gắn một chiếc đèn cảnh báo, gọi là đèn công tác nên các phương tiện khác dễ dàng nhận ra xe của người đi thu gom rác để ưu tiên. Theo quy định, xe thô sơ đi vào làn xe cơ giới là vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ và tiềm ẩn nguy hiểm. Vấn đề này, lãnh đạo Công ty Urenco đang tìm biện pháp giải quyết phù hợp.
Ngoài Hoàn Kiếm, mô hình thu gom rác bằng xe đạp hiện đã được triển khai rộng rãi tại 3 quận trung tâm nội thành nữa. Mô hình mới, thời gian triển khai chưa lâu, song không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà nó mang lại đối với môi trường Hà Nội, đặc biệt là những tác động tích cực đến ý thức của mỗi người dân và tạo hình ảnh về một thành phố văn minh, thân thiện. Cùng với cơ giới hóa hoạt động thu gom rác, với đặc điểm "ngõ nhỏ, phố nhỏ" của đô thị Hà Nội, triển khai mô hình "xe đạp xanh" là chủ trương đúng đắn. Từ thực tế, cần có những điều chỉnh phù hợp hơn để mang lại hiệu quả cao hơn trong giữ gìn Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn.
Thiện Mỹ (Báo Hà Nội Mới)