Trang chủ » Tin tức

Quản lý môi trường bãi thải - Nhức nhối!

Đó là khẳng định của ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) tại Hội thảo Quản lý bãi thải tại Việt Nam: Hiện trạng và xu hướng do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phối hợp với Tập đoàn GSE tổ chức tại Hà Nội.

2/3 bãi thải không hợp vệ sinh
Theo ông Mai Thanh Dung, hiện nay, phương pháp xử lý CTR ở nước ta chủ yếu là chôn lấp. Mặc dù, có nhiều ưu thế vượt trội như đầu tư ban đầu thấp, giá thành xử lý CTR phù hợp, có thể xử lý được tất cả các loại CTR, tuy vậy, lượng rác thải đổ vào các bãi thải tăng nhanh trong khi việc quản lý bãi thải chưa đáp ứng được thực tế này. Điều đó, dẫn đến việc không tiết kiệm được quỹ đất; tại nhiều bãi thải, hiện đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Minh chứng thông qua số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến cuối năm 2016, nước ta có khoảng 660 bãi chôn lấp với tổng diện tích 4.900 ha (chỉ có 1/3 bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Tỷ lệ bãi chôn lấp trên 20ha khoảng 5,7%, số lượng bãi nhỏ hơn 20 ha và lớn hơn 1 ha là 59,3% và còn lại là các bãi dưới 1 ha chiếm 33%.


CTR đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Những bãi chôn lấp này không chỉ chiếm diện tích lớn mà còn gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Hiện, có 52 bãi chôn lấp gây ô nhễm môi trường nghiêm trọng (Quyết định 64/2003/QĐ – TTg);  8 bãi rác cấp tỉnh quản lý, 104 bãi rác cấp huyện quản lý gây ô nhiễm nghiêm trọng (Quyết định 1788/QĐ – TTg). Nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Ở Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường khi vực hạ nguồn. Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao nên khi lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước, gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa khô, nhiều bãi chôn lấp hở, chất thải được đem đốt, gây ô nhiễm không khí…

Bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, số lượng chất thải rắn ngày càng tăng, diện tích đất có hạn, người dân không thích sống gần bãi chôn lấp, việc tìm địa điểm bãi chôn lấp rất khó khăn. Tuy chôn lấp là một trong những công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu ở ViệtNamnhưng cần hạn chế phương pháp này.

Cần định hướng về sử dụng công nghệ
Đến nay, chưa có địa phương nào ở ViệtNamcó mô hình xử lý chất thải hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng, tái chế trên thế giới. Hoạt động tái chế chất thải rắn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm của không khí cao… Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng. Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá rút kinh nghiệm các công nghệ đang áp tại Việt Nam; nghiên cứu xây dựng hướng dẫn lựa công nghệ và mô hình xử lý phù hợp; thực hiện thí điểm công nghệ để từ đó nhân rộng ….

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh, hoàn thành lập quy hoạch quản lý chất thải rắn. Trên cơ sở quy hoạch này lập kế hoạch đầu tư xây dựng chất thải rắn, trong đó, có kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện. Đồng thời thúc đẩy xã hối hóa thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Ông Hoàng Mạnh Hiệp – Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) kiến nghị cần nghiên cứu, áp dụng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình điều chỉnh giá từng bước đáp ứng yêu cầu bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần xây dựng mức phí vệ sinh theo hướng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển riêng cho khu vực đô thị và nông thôn địa phương mình; rà soát, sửa đổi bổ sung các chỉ tiêu định mức kỹ thuật liên quan đến toàn chuỗi thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

                                                                                           Thảo Linh (Báo Tài nguyên và Môi trường)

Các bản tin khác :