Việc thực hiện đồng loạt phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố từ giữa năm 2019 dẫu còn nhiều băn khoăn, lo lắng và còn nhiều khó khăn, nhưng đây được ví như là trả món nợ “treo” 10 năm nay của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.
(Theo Báo Đà Nẵng online)
Phân loại rác kết hợp thu gom, tái chế
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR) thông tin, câu chuyện của Hàn Quốc và Nhật cách đây 30 năm cũng giống như Đà Nẵng hiện tại. Khi đó, 96% rác thải ở Hàn Quốc đều ra bãi chôn lấp, Nhật Bản cũng tương tự như vậy. Nhưng việc thực hiện phân loại rác thải trong hơn 25 năm qua ở hai quốc gia này đã giúp khống chế tỷ lệ rác thải đem chôn lấp hiện nay xuống chỉ còn 8-10%.
Còn ở Đà Nẵng, trong rác thải sinh hoạt hằng ngày, nếu phân loại được rác thực phẩm gồm các loại phế phẩm rau, vỏ trái cây… để làm phân bón hữu cơ; thu gom được thức ăn thừa để chăn nuôi; phân loại rác thải nhựa, nilon, giấy để tái chế, thì tỷ lệ rác còn lại để đưa ra bãi chôn lấp là rất nhỏ, chỉ 8-10%.
Bà Nguyễn Ngọc Lý phân tích: “Gần như tất cả các loại rác thải sinh hoạt đều là rác tài nguyên. Tuy nhiên, nếu như các loại rác đó trộn lẫn với nhau và chở lên bãi chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn thì tất cả đều là rác và gây ra hệ lụy lớn mà Đà Nẵng đã, đang phải đối mặt. Việc thực hiện phân loại rác là cơ hội tuyệt vời cho Đà Nẵng có cải cách cơ bản vấn đề rác thải sinh hoạt. Nếu không thực hiện phân loại rác thải ngay từ bây giờ thì 5 năm nữa, Đà Nẵng phải vận chuyển xử lý mỗi ngày 1.500 tấn rác thải sinh hoạt và bù lỗ cả ngàn tỷ đồng. Vì thế cần sớm thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sinh và tái sử dụng rác. Để thực hiện thành công thì phải thực hiện phân loại rác kết hợp với các giải pháp thu gom, tái chế, xử lý rác… đã nêu trong nghị quyết mà HĐND thành phố vừa thông qua”.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, lại cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc phân loại rác nhựa, nilon và một số loại rác tài nguyên để đóng gói và bán cho các nước có trình độ phát triển kinh tế thấp, mà Việt Nam nằm trong số nước đó. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ phế liệu trong rác thải nhựa và nilon rất cao, vì thế, phế liệu của Việt Nam rất khó bán được. Đây cũng là lý do nhựa plastic của Việt Nam không bán được, hay nói cách khác là không có đầu ra. Từ thực tế điển hình về rác thải nhựa và nilon cũng là nguyên nhân của việc phân loại rác thải của Việt Nam kém hơn Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, quan điểm của thành phố là sử dụng công nghệ đốt để xử lý chất thải rắn trong tương lai là hoàn toàn đúng đắn. Ngay chính Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đơn vị tư vấn dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng cũng khẳng định, Đà Nẵng chỉ có đốt chứ phân loại thì không bán cho ai được.
“Từ nay đến khi đưa vào công nghệ đốt rác, Đà Nẵng cần tập trung phân loại rác có thể tái chế được, bán phế liệu được bao nhiêu đó thì bán, còn lại phân loại theo hướng rác cháy được và không cháy được, tách bớt rác vô cơ ra khỏi rác thải phát sinh hằng ngày. Trong quá trình thực hiện phân loại rác thải, phải có Sở Xây dựng tham gia và lãnh đạo Sở Xây dựng phải cùng chủ trì với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện. Bên cạnh đó, cần nhận thức rằng, khâu thu gom, xử lý rác sau phân loại mới tiên quyết và phải nhấn mạnh đến vai trò của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng. Việc phân loại rác thải thành công hay thất bại đều phụ thuộc ở công ty này. Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đang thiếu rất nhiều, thiếu cả phương tiện thu gom và nơi xử lý, nên cần có kế hoạch và đầu tư cho công ty này”, PGS.TS Trần Văn Quang đặt vấn đề.
Phân loại 4 nhóm
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, mục tiêu phấn đấu thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt là tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025 như Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố; đến năm 2023, hơn 70% chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đến năm 2025 là hơn 90% chủ nguồn thải.
Theo đó, trong quý 2-2019, thành phố sẽ phát động phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố với 4 nhóm: chất thải rắn tái chế, tái sử dụng (giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại); chất thải rắn sinh hoạt có thành phần nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện,…); chất thải rắn sinh hoạt có kích thước lớn, cồng kềnh và chất thải vật liệu xây dựng; chất thải rắn sinh hoạt còn lại (rau, củ, quả thải bỏ, thức ăn thừa, các loại khác).
Về phương án thu gom, tùy thuộc điều kiện của địa phương, UBND quận, huyện chủ trì triển khai phương án thu gom chất thải rắn sinh hoạt tái chế, tái sử dụng bảo đảm có hiệu quả, trong đó, có thể tham khảo mô hình đã thực hiện tại quận Hải Châu. Đối với chất thải rắn sinh hoạt có thành phần nguy hại phát sinh từ sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình, mỗi phường, xã bố trí ít nhất 1 điểm thu gom do UBND quận, huyện chủ trì triển khai phương án thu gom, xử lý với tổ chức, đơn vị có chức năng theo quy định.
Mỗi phường, xã cũng bố trí ít nhất 1 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt có kích thước lớn, cồng kềnh và chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động sửa chữa, xây dựng của hộ gia đình, do đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện việc thu gom và được xử lý tại trạm trung chuyển của thành phố. Thành phố cũng sẽ đầu tư 4 trạm trung chuyển rác kết hợp công năng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm rà soát, xác định địa điểm tập kết, tổ chức chỉnh trang các điểm tập kết, hình thành mạng lưới điểm tập kết phù hợp với địa bàn dân cư…
Tự tin ở tính khả thi
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, công ty đã xây dựng phương án thu gom rác tài nguyên, rác thải xây dựng và rác thải có kích thước lớn để phục vụ việc phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố. Đối với rác tài nguyên sau phân loại, nếu giao cho công ty thu gom, sẽ tiến hành thu gom và đưa về các điểm tập kết. Chi phí thu gom, vận chuyển sẽ do công ty cấn đối, không tính phí thu gom và vận chuyển.
Theo đó, công ty đề nghị mua lại rác tài nguyên từ các hộ dân và chi hội phụ nữ khu dân cư với giá bằng 90% giá thị trường rồi được công nhân thu gom bằng xe ba-gác hoặc các loại xe tải nhỏ vận chuyển đến các cơ sở thu mua tiêu thụ; hoặc công ty mua rác tài nguyên từ các hộ dân, chi hội phụ nữ theo giá của các cơ sở thu mua rồi thu gom đưa về các trạm trung chuyển để tiếp tục phân loại, đóng gói và chở đi bán cho các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất tái chế…
Đối với rác thải xây dựng, công ty sẽ đến thu gom tận nhà khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư, người dân và đưa về tập kết tại các điểm trung chuyển phế thải xây dựng đã được thành phố quy hoạch rồi tái sử dụng để san lấp mặt bằng hoặc chôn lấp theo đúng quy định, chỉ thu phí vận chuyển đối với người có yêu cầu và đề nghị UBND các quận, huyện hỗ trợ chi phí xử lý. Đối với rác có kích thước lớn, nếu có tại mỗi phường, xã một điểm tập kết thì công ty thực hiện vận chuyển đi xử lý khi có yêu cầu của chính quyền địa phương và chi phí vận chuyển, xử lý địa phương chi trả cho công ty…
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, thời gian qua, có nhiều ý kiến quan ngại sự thành công và tính khả thi của việc phân loại rác thải tại nguồn trên toàn thành phố từ năm 2019, đặc biệt là có nhiều ý kiến nói rằng cần hết sức thận trọng. Thực tế, từ năm 2008, khi ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đã nêu rất rõ việc thu gom và tái chế 30% khối lượng rác.
Hơn 10 năm qua, người dân thành phố cũng đã thực hiện phân loại rác tại nhà. Vì thế, năm 2019 cũng phù hợp để thực hiện phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thói quen của người dân về phân loại rác thải; trong đó trọng tâm là thực hiện thí điểm để hoàn thiện dần cách thức phân loại, thu gom, xử lý…
“Tôi rất tự tin về sự thành công của việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên toàn thành phố từ năm 2019. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thuê một công ty tư vấn giải quyết bài toán thu gom, vận chuyển, xử lý rác tài nguyên; một công ty chuyên làm quảng bá, tuyên truyền để xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Vì thế, rất mong các đơn vị, địa phương và người dân ủng hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn. Chắc chắn, việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ thành công ít nhất là 80% so với mục tiêu, 20% còn lại sẽ được điều chỉnh, bổ sung để thực hiện cho phù hợp”, ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP