Thống kê từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, trung bình một năm mỗi người dân Việt Nam thải ra 1,3kg "rác điện tử", tương đương 116 nghìn tấn trên cả nước.
Thói quen cập nhật cũng như cơ hội tiếp cận công nghệ dễ dàng ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, khiến lượng "rác điện tử" tại các khu vực này cao hơn nơi khác, tạo áp lực cho công tác thu gom, xử lý. Mặc dù, thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm hóa giải mối lo “rác điện tử” song kết quả thu về chưa được như mong muốn…
Gian nan hành trình thu gom "rác điện tử"
Mỗi khi trong nhà có đồ điện tử cũ hỏng, bà Lê Thị Vượng (số nhà 35, tổ 37, ngõ 113, Yên Hòa, Cầu Giấy) lại xếp chúng vào một góc rồi bán cho người thu mua phế liệu. Bà bảo: “Chẳng đáng bao nhiêu nhưng chịu khó gom góp, lâu ngày, con cháu cũng được đồng quà, tấm bánh. Chứ cứ thế mà bỏ đi thì uổng phí lắm”. Chung suy nghĩ với bà Vượng, nhiều hộ dân trong khu dân cư cũng duy trì thói quen tích trữ "rác điện tử". Và thường thì tiện đâu, bỏ đó, không mấy ai nghĩ đến việc mang những sản phẩm điện tử cũ, hỏng của gia đình tới điểm tập trung thu gom rác điện tử, nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa phường, cách đó không xa.
Người dân phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trong ngày hội tái chế “rác điện tử”
Thói quen kể trên khiến việc thu gom "rác điện tử" ở Yên Hòa thời gian qua không mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Thuấn, bảo vệ Nhà văn hóa phường (một trong những điểm đặt thùng thu gom "rác điện tử") cho biết: “Kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay, đơn vị thu gom chỉ phải chuyển phế phẩm một lần. Thùng rác đặt tại đây lèo tèo vài sợi dây điện, tai nghe, một phần của chiếc điện thoại để bàn… Trong khi rác thải kiểu này đi đâu chẳng gặp”.
Cũng theo ông Thuấn, nguyên nhân khiến điểm thu gom "rác điện tử" chưa thực sự phát huy hiệu quả là bởi phần đông người dân địa phương không biết sự tồn tại của nó; chưa kể những người biết đến mô hình này lại có muôn vàn lý do khác để “lơ” đi. “Đơn giản như việc, điểm bỏ rác không tiện đường đi, lối lại, người ta cũng nản nhưng nếu đặt khơi khơi ngoài đường, ngoài chợ, thùng rác sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc với mấy bà buôn đồng nát, phế liệu…”. Ông Thuấn thừa nhận: “Ngay như tôi, hằng ngày làm việc ở đây, cách điểm thu gom có vài bước chân, nhưng khi có đồ điện tử cũ hỏng, mang đi sửa không được, tôi cũng bỏ luôn tại cửa hàng chứ chẳng thiết mang về thùng rác làm gì cho lôi thôi. Nhiều lúc nghĩ cũng dở nhưng đã thành thói quen rồi, khó bỏ lắm”.
Nhiều điểm thu gom khác trên địa bàn Hà Nội và cả nước cũng trong tình trạng như điểm thu gom "rác điện tử" ở phường Yên Hòa. Theo thống kê của Chương trình Việt Nam tái chế (đơn vị thu hồi, xử lý miễn phí "rác điện tử"), trung bình một năm, Chương trình chỉ thu gom được hơn 4 tấn rác, chưa bằng 1% lượng "rác điện tử" thải ra trên toàn quốc. Bà Mai Hạnh, đại diện Chương trình Việt Nam tái chế cho biết: “Các thiết bị điện tử thường chứa nhiều vật liệu, linh kiện, hóa chất… khác nhau. Nếu tháo dỡ, xử lý không đúng cách, các chất độc hại trong nguyên vật liệu như chì, thủy ngân, cadmium, crom hóa trị… sẽ bị phát tán, rò rỉ, gây hại cho môi trường sống. Tuy nhiên, vì không thể lập tức nhận thấy mối hại ấy nên số đông người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của rác điện tử, từ đó dửng dưng, thiếu mặn mà với lời kêu gọi từ Chương trình thu gom, xử lý. Việc thúc đẩy mở rộng hệ thống điểm tập trung "rác điện tử" để người dân có thể tiếp cận thuận tiện hơn cũng là một khó khăn khác với Việt Nam tái chế khi lực lượng tình nguyện viên còn quá mỏng”.
Ứng xử với "rác điện tử" - thay đổi từ nhận thức
Nhiều năm qua, tại Việt Nam, việc thu hồi, tái chế… phế thải độc hại vẫn được tiến hành bằng những phương pháp thủ công, thô sơ thông qua các cơ sở thu gom, tái chế nhỏ lẻ, không bảo đảm về điều kiện, quy chuẩn.
Về tình trạng này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) nhận định: “Hình thức thu gom, tái chế rác điện tử tùy tiện, thủ công, thiếu kiểm soát… hiện nay cần được sớm thay đổi bằng phương pháp tái chế chuyên nghiệp, khoa học hơn nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tránh những tác động tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người. Làm được điều này không chỉ trông vào các chương trình thu hồi, tái chế "rác điện tử" an toàn, thân thiện với môi trường mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan giúp người dân thay đổi lối tư duy “tiện mình, hại người” cũng như tác động lên ý thức, trách nhiệm của các nhà sản xuất sản phẩm điện tử”.
Đồng tình với nhận định trên, nhiều chuyên gia cho rằng: Giải pháp cho vấn đề xử lý "rác điện tử" không thiếu nhưng để vận dụng hiệu quả cần có sự đồng bộ, quyết liệt của các bên liên quan. Đơn cử như nếu chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức mà thiếu các chế tài ràng buộc trách nhiệm, những quy định bắt buộc về quản lý và xử lý rác thải độc hại, sẽ khó giải quyết tận gốc vấn đề. Thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến vòng đời của đồ dùng điện tử ngày càng ngắn, làm gia tăng áp lực cho việc xử lý loại rác đặc biệt này.
Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22-5-2015 về việc thu hồi, xử lý các sản phẩm điện tử thải bỏ được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trước vấn nạn "rác điện tử" cũng như tác động tới phương thức sản xuất, thói quen sử dụng nguyên liệu không thân thiện với môi trường từ các đơn vị sản xuất. Việc xử lý các sản phẩm điện tử chia làm nhiều giai đoạn, cụ thể là thu hồi, xử lý ắc quy các loại, pin các loại thải bỏ từ ngày 1-7-2016. Cũng từ thời điểm này, thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính, máy in; máy fax, máy quét hình, máy ảnh, máy quay phim, máy điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; máy sao chụp giấy, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt. Với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1-1-2018.
Song hành với việc thực thi Quyết định này, các ban, ngành liên quan cần sát sao hơn trong việc kiểm soát, quản lý, xử phạt các cơ sở thu gom, xử lý rác thải nói chung, "rác điện tử" nói riêng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại của "rác điện tử" đối với môi trường, từ đó chủ động, tích cực hợp tác trong việc xử lý.
THANH THỦY/HNM