Hình ảnh những công nhân trực tiếp làm công việc thu gom rác thải vẫn ngày ngày cần mẫn quét dọn vệ sinh, làm sạch mọi nẻo đường, góc phố ...
Vì mưu sinh, vì tinh thần trách nhiệm mà nhiều người. thậm chí nhiều thế hệ đã gắn bó với công việc này hàng chục năm . Họ được ví như những con ong chăm chỉ đang hằng ngày làm đẹp cho đời bằng việc làm thật giản đơn mà ý nghĩa.
Nghề vất vả
Những ngày mùa đông, trong cái lạnh đến tê người, 18 giờ chúng tôi theo chân các anh chị đi thu gom rác thải tại khu vực phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng. Rác thải được vứt ngổn ngang. Sau một hồi thu gom vào xe đẩy, chị L, một công nhân vệ sinh Công ty CP Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng ngồi xuống góc đường, thấm những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, chỉ tay vào những bịch nilon tung tóe nói: Đây là công việc hàng ngày của chúng tôi. Đối với người công nhân quét rác cơ cực nhất là vào các dịp lễ, tết, phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. Bởi những ngày đó, người dân khắp nơi đổ về thành phố chơi, cũng như một lẽ tự nhiên, rác cũng vì thế mà ngập đường.
Tôi thử cầm chiếc chổi tập quét đường để mong cảm nhận phần nào của những thân phận người quét rác. Cái chổi to, nặng trịch. Quét được vài mét đường, tay tôi ran rát mà rác thì bay loạn xạ khiến chị V ,một công nhân quét rác khoảng chừng đứng gần đó cười nói: "Quét rác đường phố không thể phẩy phẩy như quét nhà đâu. Chổi thì phải vừa tay, cán không cao quá, không thấp quá, phải buộc chặt thì khi quét mới đưa đi đưa lại thoải mái được. Khi quét, không mạnh tay để tránh bụi bay vào người đi đường. Một buổi, mỗi người được phân công quét dọn khoảng 10.000 m2 đường, nhưng chỉ có 30 phút nghỉ ngơi nên khi quét, đẩy xe rác, không phải cứ bặm môi lấy sức đẩy mà phải lựa theo đà xe để giữ sức và phải tính thời gian cho kịp xe thu gom rác đến. Nếu không biết cách thì chỉ làm được một buổi là nằm liệt giường ngay".
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác đêm. Ảnh: Tư liệu
Chị V kể, hồi mới vào nghề , chỉ mới quét sơ sơ vài đoạn đường thôi mà lưng chị đau nhừ, tưởng không nhấc mình dậy nổi, nhiều lúc muốn bỏ việc. Làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù có lạnh âm độ, hay lúc mưa to gió lớn, khi mọi người đều đã tìm được chỗ trú thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác. Rồi khi chiều xuống, trong khi mọi gia đình đang sum vầy đấm ấm bên mâm cơm chiều thì tiếng chổi tre của các công nhân lại loẹt quẹt giữa không gian.
Quét rác là nghề vất vả và khá nguy hiểm nhưng đồng lương người làm lâu năm như anh T nhận được chỉ chừng 5 triệu đồng/tháng. Còn với chị V, vì đang là hợp đồng nên thấp hơn nhiều. Với đồng lương đó, trong lúc mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như điện, nước, thực phẩm liên tục tăng giá, tấm lưng của người công nhân quét rác như trĩu nặng hơn. "Cũng may là ngày đêm đối mặt rác thải nên hình như chúng tôi có sức đề kháng tốt hơn mọi người..." - anh T cười đầy ẩn ý. Cuộc sống gia đình, học hành tương lai của 3 đứa con đều trông vào đồng lương của anh T. vì vợ anh sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà làm nội trợ. Với anh, để trang trải cho gia đình 5 miệng ăn là điều không dễ và các con anh đang ở cái tuổi ăn học, vì thế công việc này là lựa chọn duy nhất.
Nỗi niềm
Chia sẻ về những vất vả trong công việc, anh T không giấu được nỗi buồn. Theo lời của anh, thời gian đầu làm công nhân quét rác rất khó khăn vì cái nhìn kỳ thị của mọi người. “Nói thật, tôi cảm thấy buồn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt ái ngại. Trong suy nghĩ của nhiều người, quét rác là công việc... bẩn! Nhưng đối với tôi, đó là lao động chân chính”. Hình ảnh anh T chăm chỉ đưa từng nhát chổi gom rác ven đường khiến chúng tôi liên tưởng đến những chú ong thợ lúc nào cũng tận tâm với công việc của mình. Bên cạnh những nỗi buồn, người công nhân quét rác còn đối mặt với nhiều hiểm nguy trong công việc. Thông thường, họ phải quét rác ven các tuyến đường phố vốn đông đúc xe cộ qua lại mà chẳng biết lúc nào “hung thần xa lộ” sẽ tìm tới mình. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi, anh Đ. hóm hỉnh: “Làm nghề này phải nhớ “bí quyết”, đó là “tai nghe, mắt ngóng, tay quơ”.
Cái nhọc của nghề quét rác là làm mãi nhưng không bao giờ vừa ý. Anh T bộc bạch, nhiều đoạn đường vừa quét xong, quay lại sau lưng đã thấy rác, mà hầu như lúc nào cũng vậy. Khi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém, họ thản nhiên vứt vỏ bánh kẹo, túi nilon, giấy vụn..., xuống đường mà không nghĩ rằng, hành động của mình làm tăng thêm phần vất vả cho người khác. “Mấy lần mình cũng nhờ họ bỏ rác vào thùng nhưng bị cãi lại: “Tôi đóng tiền hốt rác để làm gì!”. Nghe vậy, tôi cảm thấy buồn và không muốn nói nữa, chỉ lo làm tốt công việc của mình” - anh T buồn bã. Nỗi buồn của anh T cũng là nỗi buồn chung của nhũng người làm nghề quét rác. Họ luôn cần sự tôn trọng bởi tình người chứ không phải chuyện có đóng hay không đóng tiền thu gom vệ sinh.
Vào những ngày lễ, Tết là khoảng thời gian những người thân trong gia đình hay bạn bè thường thăm hỏi, vui vẻ với nhau. Nhưng với công nhân làm vệ sinh môi trường thì những thời điểm như vậy công việc của họ lại nhiều hơn mọi ngày. Vì thế, với họ, lễ, Tết lại là khoảng thời gian buồn và tủi thân nhất. Chị V bùi ngùi: Chừng ấy năm trong nghề là chừng ấy năm tôi không được ăn Tết cùng gia đình. Những ngày cuối năm, nhìn những gia đình ấm cúng quây quần bên nhau, nhiều lúc tôi cũng buồn, cũng thấy tội cho chồng và con, bởi không giao thừa nào tôi có mặt ở nhà.
Nhìn những công nhân vệ sinh môi trường đang cặm cụi quét từng đoạn đường, thu từng túi rác chất đầy lên xe đẩy, tôi chợt nhớ đến bài thơ "Tiếng chổi tre" của nhà thơ Tố Hữu. Tôi khe khẽ đọc: "Những đêm đông/Khi cơn giông/Vừa tắt/Tôi lắng nghe/Trên đường/Lặng ngắt/Chị lao công/Như sắt/Như đồng/Đêm đông/Quét rác...". Nghe tôi đọc, ánh mắt các anh chị công nhân ánh lên niềm tự hào vì cái nghề của họ đã được nhận được sự đồng cảm của nhiều người và nhất là đã đúc thành những áng văn thơ để đời.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có một thời để học hành và nuôi dưỡng những ước mơ cho tương lai của mình nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai mơ ước sau này mình sẽ trở thành người công nhân “quét rác”. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người, đều cho đó là công việc vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, hằng ngày trên địa bàn Thành phố vẫn có hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vượt qua những thị phi đời thường để làm việc và chính công việc thầm lặng của họ đã góp phần xây dựng thành phố Cao Bằng ngày càng sáng, xanh,sạch, đẹp.
LIỄU ĐÀM (Theo moitruongvadothi.vn)