Do vẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường, cho nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại nhiều địa phương. Thực tế đó đòi hỏi các gành và địa phương cần tăng cường năng lực thu gom, xử lý chất thải gây ÔNMT.
Theo số liệu thống kê của các địa phương, tổng lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh trên cả nước hiện nay là khoảng 800 nghìn tấn/năm; tuy nhiên khối lượng được thu gom, xử lý mới chiếm khoảng 40%. Bên cạnh đó, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng hơn 23 triệu tấn, tương đương khoảng 63 nghìn tấn/ngày, trong đó CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32 nghìn tấn/ngày. Khối lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khoảng bảy triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2020, CTR sinh hoạt và CTR thông thường phát sinh trên cả nước khoảng 41 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, tỷ lệ gom, xử lý CTR tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85%; tại các khu vực ngoại thành của các đô thị đạt khoảng 66% so với chất thải phát sinh. Đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng từ 44% đến 55% so với lượng phát sinh…
Công nhân Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình phân loại rác thải. Ảnh: MAI DUNG
TS Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Bên cạnh việc thu gom, xử lý CTNH, CTR công nghiệp và sinh hoạt, vấn đề thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cũng đang được quan tâm và thực hiện. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải cũng đã được đầu tư tại một số thành phố lớn, đô thị lớn với quy mô và công suất khác nhau phụ thuộc vào lưu lượng nước thải, qua đó tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ngày càng tăng trong giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt từ 10% đến 11%, tăng khoảng từ 4% đến 5%…
Hiện nay, ở Việt Namvẫn còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ÔNMT, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường. Trong khi đó, công nghệ cũ, lạc hậu sử dụng trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoặc theo các dòng thương mại du nhập vào ViệtNam, dẫn đến nước ta đang đứng trước nguy cơ cao trở thành bãi thải công nghệ sản xuất của thế giới. Việc chôn lấp CTR không đúng quy định, yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường (BVMT) đang hình thành nhiều điểm gây ÔNMT nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt không được xử lý làm cho hầu hết các hồ, ao, kênh, mương, sông chảy qua các đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe người dân. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng bỏ qua các vấn đề môi trường để ưu tiên cho các hoạt động đầu tư phát triển vì những lợi ích kinh tế trước mắt. Hậu quả là chúng ta sẽ phải mất chi phí gấp nhiều lần cho việc xử lý, khắc phục ÔNMT…
Dây chuyển xử lý chất thải.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn thải phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải, nhất là CTNH. Sớm hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá cho vận hành hệ thống xử lý chất thải, trước mắt tập trung vào một số loại hình hoạt động như: hệ thống xử lý nước thải, CTR y tế nguy hại; hệ thống xử lý nước thải, CTR, khí thải làng nghề; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung; hệ thống xử lý nước rỉ rác tại các công trình xử lý rác thải tập trung. Xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trung tâm xử lý CTNH tại bốn vùng kinh tế trọng điểm… Tại các địa phương, cần đẩy mạnh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch quản lý CTR, vì hiện nay mới có 54/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch quản lý CTR, đây là cơ sở quan trọng để lập dự án và thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR…
Các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường trên phạm vi cả nước. Tiến hành phân loại theo mức độ gây ô nhiễm, tác động xấu và thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp. Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, tiến tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ÔNMT nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới, hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT, nhất là tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần bảo vệ. Chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường, qua đó góp phần giảm các chất thải gây ÔNMT tại nhiều địa phương như hiện nay…