Mỗi ngày người dân Việt Nam thải chừng 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó có rất nhiều túi ni-lông. Trung bình mỗi một phút có đến 1.000 túi ni-lông được sử dụng và chỉ có 27% trong số đó đưa vào tái chế. Trong khi đó, một số công trình xử lý rác thải được đầu tư hàng tỉ đồng chưa kịp vận hành đã rơi vào tình trạng “đắp chiếu” hoặc hoạt động không hiệu quả…
Người dân là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong việc phân rác thải tại nguồn. Ảnh: T.Y |
1. Năm 2008, thông qua nguồn vốn ODA, Chính phủ Nhật Bản tài trợ lắp đặt hệ thống lò đốt rác thải y tế và 2 máy hấp sấy khử trùng trị giá gần 2 tỷ đồng, đặt tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông). Công trình được kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp xử lý rác thải y tế hữu hiệu, giúp Đà Nẵng giảm thiểu tình trạng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau vài lần vận hành, lò đốt bị một số người dân sống gần đó phản đối vì xả nhiều khói và khói có mùi hôi.
Ông Trần Thiện Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ cho hay, lò đốt được vận hành theo nguyên tắc đốt kín, khói thải ra môi trường nằm trong tiêu chuẩn cho phép nhưng do người dân kiên quyết phản đối nên gần 10 năm qua, đơn vị buộc phải đóng cửa lò đốt này. Mỗi năm Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ vẫn phải chi 150 triệu đồng cho Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom, xử lý rác thải y tế.
Chính thức hoạt động từ tháng 6-2015, dây chuyền chưng cất dầu PO, RO, FO (những loại dầu dùng để đốt lò), sản xuất gạch xây dựng không nung, than sinh học nằm trong Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn thuộc Công ty CP Môi trường Việt Nam đặt tại bãi rác Khánh Sơn vẫn hoạt động cầm chừng do các sản phẩm này vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường. Được biết, theo công suất thiết kế ban đầu, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn này có thể xử lý mỗi ngày 650 tấn rác thải sinh hoạt. Theo đó, với tỷ lệ 8 - 10% là ni-lông, mỗi ngày khu liên hợp có thể sản xuất ra khoảng 17 tấn dầu PO và RO.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá thành dầu PO, RO ngoài thị trường rất thấp, chưa đến 10.000 đồng/lít. Trong khi đó, kinh phí vận hành dây chuyền chưng cất dầu cộng với phí nhân công, tiền than đốt, dầu chạy máy khá cao khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng “thu không đủ bù chi”.
Không muốn công sức đầu tư bấy lâu đổ sông đổ bể, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường Việt Nam đã đề xuất thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn” theo công nghệ mới: công nghệ đốt rác phát điện.
Hệ thống do Công ty Everbright International (Hồng Kông) tự nghiên cứu và phát triển với một số ưu điểm có thể kể đến như khói thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010; nước rỉ rác có thể tái sử dụng; mỗi năm tiết kiệm lượng than khoảng 25.000 tấn, giảm phát thải CO2 khoảng 10.400 tấn; vận hành theo nguyên lý một vào (rác sinh hoạt) bốn ra (khói thải, nước rỉ rác, xỉ lò, tro bay)… Hiện công nghệ này được áp dụng tại Cần Thơ, với công suất 400 tấn/ngày đêm và mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp lượng điện sạch trên 280kW/h.
2. Trước áp lực rác thải đô thị, rác thải sinh hoạt ngày càng lớn, lãnh đạo UBND thành phố vừa ra Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tỷ lệ CTRSH được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025; đồng thời yêu cầu công tác phân loại được triển khai đồng bộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên đánh giá, hoàn thiện trong quá trình thực hiện…
Theo quyết định này, CTRSH được phân loại thành 4 nhóm chính: (1) CTRSH tái chế, tái sử dụng, gồm giấy các loại, nhựa các loại, kim loại các loại; (2) CTRSH có thành phần nguy hại, gồm pin, ắc quy, bóng đèn, mạch điện hỏng; (3) CTRSH có kích thước lớn, cồng kềnh, chất thải vật liệu xây dựng; (4) CTRSH còn lại từ sinh hoạt, nấu ăn như rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, các loại khác… Đây được xem là động thái tích cực nhằm hoàn thành tiêu chí về tái sử dụng, tái chế CTRSH được thành phố đề ra tại đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, giảm áp lực thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cho biết, trong năm 2019, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn công tác phân loại, tổ chức khảo sát, điều tra, xây dựng kế hoạch phân loại chi tiết, mua sắm thiết bị, vật tư thực hiện phân loại, chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật, triển khai phân loại CTRSH theo địa bàn. Từ năm 2020 trở đi sẽ tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng việc phân loại, bắt đầu triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng…
Cũng theo ông Hùng, cái khó nhất trong quá trình triển khai phân loại rác thải tại nguồn xuất phát từ ý thức người dân và năng lực của đơn vị thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí hiện nay, thành phố chưa có địa điểm, khu vực tập kết rác thải tài nguyên, chất thải nguy hại, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển chưa đảm bảo, thiếu giải pháp cung cấp chuỗi hoạt động thu gom, vận chuyển, tái sử dụng và các hình thức xử phạt đối tượng vi phạm về vứt rác bừa bãi ra môi trường…
3. Rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni-lông, mất đến ít nhất hơn 100 năm để tự phân hủy. Rất nhiều tỉnh/thành phố hiện nay mới chỉ áp dụng giải pháp chôn lấp, tuy nhiên, trong tương lai do lượng rác thải tăng nhanh, diện tích dành cho chôn lấp rác bị hạn chế, Đà Nẵng đang đứng trước bài toán lựa chọn giải pháp tối ưu để xử lý lượng chất thải rắn của mình.
ThS. Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cho biết, trong khi rất nhiều nước - đang - phát - triển mong muốn xây dựng các lò đốt rác thì ngay tại nước - phát - triển, phong trào phản đối việc xây dựng các lò đốt mới diễn ra mạnh mẽ, dẫn đầu là Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế lò đốt (GAIA). Đơn cử như ở Mỹ, Nhật và một số nước châu Âu, từ năm 2000 trở lại đây không có thêm lò đốt mới nào được xây dựng.
Theo bà Xuân, không phải ngẫu nhiên mà việc xây dựng các lò đốt rác mới bị người dân phản đối. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều lò đốt khi vận hành đã gây tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, lò đốt vận hành tạo gánh nặng cho ngân sách thành phố; phát sinh trên 20% khí thải, tro bụi khi đốt; lãng phí tài nguyên; tác động đến biến đổi khí hậu; giảm cơ hội việc làm và động cơ tái chế, tiết kiệm tài nguyên…
“Hiện nay, ngoài giải pháp đốt rác phát điện thì phong trào không chất thải (Zero Waste) đang nổi lên như một giải pháp bền vững. Zero Waste là một cách tiếp cận sáng tạo trong việc sử dụng tài nguyên nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, phục hồi tài nguyên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khan hiếm. Nó thiết kế lại hệ thống công nghiệp tuyến tính, một chiều, không bền vững thành một hệ thống tuần hoàn nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ không cần thiết, bảo đảm rằng các sản phẩm và vật liệu được tái sử dụng hoặc tái chế”, bà Xuân nói.
Bằng cách theo đuổi phong trào Zero Waste, nhiều quốc gia có thể sẽ giảm được chi phí quản lý chất thải rắn; cung cấp điều kiện sinh kế tốt hơn cho công nhân môi trường; giảm lượng chất thải phải chôn lấp và quan trọng hơn là giảm chất thải ra môi trường. Đơn cử, thành phố San Fernando của Philippine đã áp dụng thành công các giải pháp không chất thải, giảm tiêu thụ được 80% chất thải, tức chỉ còn 20% rác thải ra môi trường (ngang bằng và thậm chí là tốt hơn so với với giải pháp đốt phát điện).
Bên cạnh hội thảo “Lò đốt và các giải pháp không rác thải” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tổ chức trong hai ngày 24 và 25-5-2019 nhằm tìm kiếm giải pháp, kinh nghiệm xử lý rác thải từ các nước trên thế giới, Đà Nẵng đang kêu gọi mọi người “nói không với túi ni-lông”, “nói không với chai nhựa”, có thói quen phân loại rác thải tại nguồn, từng bước hướng tới việc giảm thiểu gánh nặng xử lý rác thải vốn đã tồn tại rất nhiều năm qua.
Tiểu Yến
(Theo Đà Nẵng cuối tuần)