“Hiện nay, ngành môi trường đô thị phải đối mặt với không ít khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu gây ra cũng như sự gia tăng khối lượng chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế ở các đô thị, trong các khu công nghiệp năm sau tăng hơn năm trước…”. Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam đưa ra tại hội thảo
Sáng ngày 04/08, tại Trung tâm Hội nghị, TP mới Bình Dương, tỉnh Bình Dương đã diễn ra buổi Hội thảo “Chất lượng công tác vệ sinh môi trường đô thị: Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp ViệtNam(Hiệp hội MTĐT&KCN ViệtNam) tổ chức. Tham dự buổi Hội thảo có sự chỉ đạo của GS.TSKH Nguyễn Văn Liên – Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị & Khu công nghiệp Việt Nam; Ông Trần Thanh Liêm- Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương cùng gần 400 đại biểu hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên toàn quốc. Ngoài ra, tham dự còn có đại diện của Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và một số Hội chuyên ngành...
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên (Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị & Khu công nghiệp Việt Nam) tại hội thảo.
Hội thảo diễn ra với các nội dung quan trọng, mang tính chất định hướng. Trong đó, các đại biểu bàn về vấn đề công tác đấu thầu trong lĩnh vực môi trường đô thị nói chung và nói riêng tại hai TP lớn là TP.HCM và TP Cần Thơ; hoạt động xử lý chất thải ở Bình Dương và những điều bất cập... Ngoài ra, Hội thảo còn là dịp để các đại biểu các chuyên gia trao đổi về vấn đề công tác cổ phần hóa – thực trạng, sự cần thiết, giải pháp và triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp.
Mở đầu Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên (Chủ tịch Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam) đã phát biểu chỉ đạo: “Hiện nay, ngành môi trường đô thị phải đối mặt với không ít khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu gây ra cũng như sự gia tăng khối lượng chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế ở các đô thị, trong các khu công nghiệp năm sau tăng hơn năm trước…
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo lần này, Hiệp hội đề cập đến một số vấn đề “nóng” về thực trạng và những giải pháp để tháo gỡ. Đó là, tham gia đấu thầu trong lĩnh vực môi trường đô thị; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp môi trường đô thị. GS.TSKH Nguyễn Văn Liên cũng mong muốn các đơn vị hội viên sẽ nhận thức được về kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức thực hiện các hoạt động một cách bài bản và hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay.
Cũng trong buổi hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện trưởng Viện MTĐT&KCN Việt Nam) cũng đã nêu ra một số hiện trạng trong công tác đấu thầu trong lĩnh vực Môi trường đô thị như: Hệ thống văn bản pháp lý về đấu thầu dịch vụ công ích còn thiếu, chưa đi vào thực tế; tổ chức đấu thầu trong một số dự án còn thiếu công khai minh bạch và đảm bảo sự công bằng; đấu thầu giá thấp và trúng thầu giá thấp đã dẫn tới hệ lụy tiêu cực về chất lượng công trình và dịch vụ công ích; mối quan hệ giữa bên mời thầu và bên dự thầu, đấu thầu mang tính chất hình thức. Một số trường hợp thực tế tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Cho thấy một số đơn vị trúng thầu không đủ năng lực lại thuê lại các đơn vị khác, hoặc trúng thầu xây lắp, dịch vụ vệ sinh môi trường với trang thiết bị và công nghệ đã lạc hậu.
Báo cáo về vấn đề “Chất lượng công tác vệ sinh môi trường đô thị: Thực trạng và giải pháp”, TS Nghiêm Xuân Đạt (Phó Chủ tịch Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam) đề nghị các đại biểu đi sâu trao đổi về quản lý rác thải (chất thải rắn) ở các đô thị của nước ta trên các mặt: “Kinh nghiệm lựa chọn và áp dụng công nghệ phù hợp với các vùng, miền, địa phương, cách tổ chức thực hiện hiệu quả công nghệ được lựa chọn; Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp làm vệ sinh môi trường đô thị, kinh nghiệm cổ phần hóa các doanh nghiệp, liên kết các doanh nghiệp, chuẩn bị hồ sơ về các bước tham gia đấu thầu quản lý chất thải rắn và ứng phó sự cố trong công tác này; các cơ chế chính sách, các văn bản pháp quy cần bổ sung, sửa đổi để quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế, thu hút được các nguồn lực, công nghệ tiên tiến của các tổ chức trong nước và nước ngoài, công tác quản lý đấu thầu vệ sinh môi trường... Kinh nghiệm thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường đô thị”.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi hội thảo
Công tác đấu thầu trong lĩnh vực Môi trường và Đô thị tại TP Hồ Chí Minh cũng đã được nêu trong báo cáo tham luận: “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận, Huyện; Hợp tác xã Vận tải Công Nông và hệ thống dân lập thực hiện thu gom vân chuyển từ hơn 300 điểm hẹn và 16 trạm trung chuyển hợp vệ sinh, trong đó có 03 trạm trung chuyển quy mô lớn và hiện đại (Trạm trung chuyển Quang Trung, Tống Văn Trân, Phạm Văn Bạch) vận chuyển về xử lý tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Phước Hiệp – huyện Củ Chi, Đa Phước – huyện Bình Chánh và Công trường xử lý chất thải Đông Thạnh – huyện Hóc Môn.
Các đại biểu tham dự đại hội thảo.
Tình hình quản lý chất thải rắn tại TP cần Thơ theo số liệu tổng hợp năm 2016, khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn TP Cần Thơ ước đạt khoảng 700 tấn/ngày; chất thải rắn công nghệ thông thường ước đạt 150 tấn/ngày. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP Cần Thơ thời gian qua luôn được lãnh đạo TP quan tâm, ưu tiên đầu tư và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan như xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt tại huyện Cờ Đỏ, Thới Lai; giảm thiểu việc chon lấp và xử lý các vấn đề phát sinh do chôn lấp… Còn một số khó khăn như: Công tác phân loại rác tại nguồn trước khi thu gom đã có đề án và đang được triển khai; tìm kiếm các giải pháp xử lý rác bằng các công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo vững chắc về môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhà máy xử lý chất rắn công nghiệp, nguy hại và y tế…
Tham gia triển lãm tại Hội thảo
Nội dung báo cáo tham luận triển khai cổ phần hóa doạnh nghiệp của Công ty CP Công trình công cộng Hội An đưa ra một số mục tiêu: Chuyển hình thức sở hữu 100% vốn Nhà nước thành hình thức đa sở hữu. Tạo thay đổi căn bản về phương thức quản lý, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hiện nay và trong tương lai; Huy động vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, của cá nhân, của các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhằm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và phát triển ổn định trong tương lai với phương châm “duy trì sản xuất kinh doanh + phát triển bền vững tăng thu nhập”.
Tham gia triển lãm tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên (Chủ tịch Hiệp hội MTĐT&KCN Việt Nam) khẳng định: “Những đề xuất kiến nghị tại Hội thảo sẽ được Hiệp hội tổng hợp để chuyển đến một số cơ quan chức năng quản lý Nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư các cấp chính quyền địa phương. Với niềm tin sẽ được các cơ quan chức năng đảm bảo sự công bằng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường đô thị hoạt động ngày càng hiệu quả. Góp phần tích cực cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước”.
KHÁNH AN (Tạp chí Môi trường và Đô thị)