Trang chủ » Tin tức

Hạn chế sử dụng túi ni lông: Giảm 1, lợi 10

Tình trạng sử dụng túi ni lông khó phân hủy một cách không hạn chế, không kiểm soát tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường đô thị.

Dễ dàng nhận thấy việc đi chợ không cần mang theo túi xách đã trở thành thói quen của phần lớn các bà nội trợ và người dân. Thịt cá, rau, củ quả đều đựng trong túi ni lông, thậm chí cả đồ khô đã được sơ chế đóng gói cũng đựng túi ni lông. Bình quân trong một buổi mua sắm, từ chợ đến cửa hàng, siêu thị, mỗi người sử dụng 3-7 túi ni lông. Theo người bán hàng và người mua, việc sử dụng túi ni lông khi đi chợ thuận tiện trong việc đựng thực phẩm, không để các thực phẩm lẫn lộn với nhau, ngoài ra còn dễ cầm nắm và treo móc trên xe máy.


Người dân đã quen với sự tiện lợi khi sử dụng túi ni lông

Thống kê của Quỹ Tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi ngày, địa bàn thành phố sử dụng khoảng 9 triệu túi ni lông, tương đương với khoảng 10% chất thải rắn khó phân hủy thải ra môi trường. Con số này cho thấy số lượng túi ni lông được sử dụng tăng gấp đôi so với năm 2010. Trong khi đó, theo các chuyên gia nghiên cứu môi trường, túi ni lông có thời gian phân hủy rất dài từ 500 – 1.000 năm, là mối nguy hại lớn đối với môi trường. Túi ni lông rất nhẹ nên dễ bị vứt bỏ, vướng mắc ở nhiều nơi, gây mất mỹ quan đô thị, làm tắc nghẽn cống rãnh thoát nước, là một trong những nguyên nhân gây hại cho sinh vật, làm thoái hóa đất và gây ô nhiễm không khí. Trong quá trình xử lý, tái chế, túi ni lông còn phát sinh những khí thải, chất thải độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp lên môi trường và sức khỏe con người. Việc sử dụng không hạn chế túi ni lông đang gây những áp lực cho công tác xử lý và thu gom chất thải rắn.

Từ năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị trên địa bàn. Qua khảo sát, từ khi các siêu thị chuyển sang dùng loại túi thân thiện môi trường, lượng túi ni lông khó phân hủy đã giảm từ 371 tấn/năm xuống còn 80 tấn trong năm 2015. Hiện 100% các siêu thị trên địa bàn thành phố ký kết tiết giảm và thay thế túi ni lông bằng các loại túi thân thiện với môi trường. Một số chợ truyền thống đã kêu gọi tiểu thương giảm sử dụng túi ni lông khi mua bán.


Rác thải ni lông tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo khảo sát của Chi cục, việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã nhận được sự đồng thuận của người dân và các đơn vị bán lẻ, trong đó các đơn vị bán lẻ tiến hành vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng túi ni lông và các loại túi thân thiện với môi trường. Một số doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường nhằm cung cấp cho các siêu thị, tiểu thương các chợ. Tuy nhiên, giá thành sản xuất còn cao, do vậy, túi ni lông thân thiện với môi trường vẫn chưa được sử dụng phổ biến để thay thế hoàn toàn túi ni lông khó phân hủy.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục đã tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận 38 hồ sơ đăng ký công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp trong cả nước. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đều được miễn thuế bảo vệ môi trường. Quyết liệt hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đầu tháng 3/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành quy định cấm phát túi ni lông khó phân hủy tại nơi mua bán như ở các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách. Thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra giám sát việc sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường theo đúng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, cần có quy định về nhãn túi ni lông thân thiện môi trường giúp người dân, các tổ chức cá nhân, bán lẻ dễ nhận biết.


Tuyên truyền sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ cam kết giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, không phát miễn phí túi ni lông cho người tiêu dùng, khuyến khích việc sử dụng các loại túi đựng hàng hóa thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông. Ngoài ra, Cục Thuế thành phố có trách nhiệm giám sát việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy đang lưu thông, phân phối trên thị trường. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm được tăng cường.

Giáo sư. Tiến sĩ Lê Huy Bá, Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một trong những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy là thực hiện tái chế để túi ni lông không còn là rác thải nữa mà trở thành nguyên liệu đầu vào cho một quá trình sản xuất mới. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các loại bao bì, túi xách thân thiện với môi trường.  

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, để giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường các giải pháp 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng); cần sớm đưa vào chương trình giáo dục học đường những nội dung kiểm soát ô nhiễm từ túi ni lông và chất thải khó phân hủy đến học sinh, hình thành ý thức và thói quen hạn chế sử dụng, hướng tới mục tiêu không sử dụng túi ni lông khó phân hủy để bảo vệ môi trường.

                                                                                                               Theo Tạp chí Môi trường Đô thị 

Các bản tin khác :