Chiều 1/12, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng nhấn mạnh: Phải coi rác thải là một nguồn tài nguyên cần phải được khai thác, tái chế để mang lại lợi ích…
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đại diện các Bộ: Xây dựng, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh, thành phố.
Chất thải cũng là một dạng tài nguyên
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năm 2009) còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chiến lược năm 2009 tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề cấp bách, hệ trọng trước bối cảnh Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Việc quản lý chất thải rắn cần được xem xét, thực hiện theo quan điểm có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo chiều 1/12/2017
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phải coi rác nói chung và chất thải rắn nói riêng cũng là một dạng tài nguyên, cần được tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải bằng những công nghệ mới và có hiệu quả. Bộ trưởng cũng đề nghị, các đại biểu cùng trao đổi, đóng góp ý kiến cho Dự thảo một cách thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận và đi sâu vào các mục tiêu cụ thể, thực tiễn trong từng giai đoạn, các nguồn lực có thể huy động để phát triển dịch vụ xử lý chất thải rắn, các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Mấu chốt là khâu công nghệ
Chia sẻ tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng mấu chốt của việc xử lý chất thải rắn là công nghệ. Nhiều địa phương vẫn xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách chôn lấp hoặc đốt rác thông thường trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường hiện nay chưa thực sự hiệu quả bởi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia còn ít và gặp một số rào cản về đầu tư.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Đông, các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải cần được đối xử công bằng từ bước lập dự án, chạy thử nghiệm từ 3 - 6 tháng như các doanh nghiệp nước ngoài. Quan trọng là đơn vị đó định áp dụng công nghệ gì, có khả thi hay không? Nếu doanh nghiệp nước ngoài nhưng kiểm tra mà áp dụng công nghệ lạc hậu, không hiệu quả thì cũng phải xem xét kỹ lưỡng chứ không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ý kiến trên được nhiều đại biểu chú ý và bổ sung, mở rộng về các công nghệ hiện có để xử lý chất thải rắn. Xử lý chất thải rắn phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, tận thu năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đại diện đến từ TP.HCM kiến nghị bổ sung vào Dự thảo việc cải tạo, phục hồi các bãi chôn lấp đã đóng cửa và phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với các công nghệ xử lý tương ứng. Đầu tư quản lý chất thải rắn phải đồng bộ, bao gồm cả xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và đánh giá năng lực thu gom, vận chuyển đáp ứng việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, đảm bảo cơ sở xử lý vận hành phù hợp công nghệ, công suất thiết kế.
Vấn đề quản lý tổng hợp chất thải rắn liên vùng, liên ngành cũng được các đại biểu hết sức quan tâm. Một đại biểu bày tỏ ý kiến cần xem xét nghiên cứu cơ chế phối hợp cụ thể trong quản lý chất thải rắn giữa các địa phương giáp ranh, các ngành để tạo sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển khác.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, sau 8 năm thực hiện Chiến lược năm 2009 đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng phát hiện còn nhiều tồn tại và thực tế cho thấy còn có nhiều công việc cần phải làm. Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn cầu thị và mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phải coi rác thải là một nguồn tài nguyên cần phải được khai thác, tái chế để mang lại lợi ích”. Đồng quan điểm với đại điện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cho rằng không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà cần thẩm định kỹ lưỡng để lựa chọn đơn vị có công nghệ xử lý rác tiên tiến, phù hợp theo quy định. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý việc không cứng nhắc trong áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn, các chỉ tiêu cần phù hợp với từng vùng miền, từng đơn vị cụ thể. Ví dụ ở khu vực nông thôn, miền núi sẽ khác với đô thị, mỗi vùng cũng khác nhau nên cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn mỗi nơi để có các giải pháp xử lý phù hợp.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, có cơ chế chính sách thích hợp để khuyến khích khối tư nhân tham gia vào công tác xử lý chất thải rắn, đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.
QUYẾT THẮNG. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG
(Website Bộ Tài nguyên và Môi trường)