Trang chủ » Tin tức

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Gắn trách nhiệm các địa phương

Để đạt được mục tiêu chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường 90% vào năm 2025 và 100% vào năm 2050 cũng như đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở đô thị cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương.


Áp lực CTR sinh hoạt gia tăng ở các đô thị
Theo thống kê, CTR sinh hoạt phát sinh ở các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước mỗi năm. Kết quả điều tra mới công bố của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), đến năm 2015, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Trong khi năm 2014 con số này là 32.000 tấn/ngày. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh là 6.420 tấn/ngày và 6.739tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2011 - 2015 đạt trung bình 12%/năm và về xu hướng, mức độ phát sinh CTR sinh hoạt đô thị tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, các đô thị thuộc khu vực đồng bằng và vùng biển, tỷ trọng phát sinh CTR sinh hoạt cao hơn nhiều so với khu vực miền núi. Còn CTR sinh hoạt đô thị chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, các khu vực công cộng (đường phố, chợ, các trung tâm thương mại, văn phòng, trường học...). Tỷ lệ hữu cơ tối đa đến 77% và tỷ lệ tái chế tối đa 18%.


Chất thải sinh hoạt bừa bãi tại khu vực giáp danh đô thị và nông thôn Hà Nội. Ảnh: TA

Tại Hà Nội, nhiều quận, huyện có những hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè chắn, đường bao là địa điểm lý tưởng để các đối tượng đổ trộm rác, phế thải xây dựng. Nhiều hồ, đầm bị thu hẹp diện tích đáng kể so với trước khu xây dựng xong đường bao. Hành vi này còn được sự tiếp tay của các hộ dân sinh sống gần khu vực với mục đích lấn chiếm trái phép, kể cả khu vực được bảo vệ như địa điểm thi công đường vành đai 2,5 (đoạn qua Định Công, Hoàng Mai). Trên địa bàn các quận: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, nạn đổ trộm phế thải xuống khu bãi nổi ven sông Hồng cũng đáng báo động. Nhiều nơi trước kia là lòng sông nay đã biến thành bãi bồi.

Trong khi tại Thừa Thiên Huế, lượng rác thải xây dựng đổ không đúng quy định ở TP bình quân 100 tấn/tháng. Mặc dù đã từng quy hoạch các điểm đổ rác thải xây dựng ở phường An Tây thế nhưng qua một thời gian đã được lấp đầy, một số điểm quy hoạch mới người dân chưa nắm rõ nên vẫn còn tình trạng tiện đâu đổ đó. Nạn đổ trộm rác thải xây dựng cũng xuất hiện tại Đà Nẵng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Tuyến đường An Khê 2, đoạn đường qua phường Thanh Khê Tây là điển hình về tình trạng đổ trộm phế liệu, rác thải xây dựng, diễn ra thường xuyên với quy mô lớn.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, việc phân loại CTR tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện công tác phân loại CTR tại nguồn mới được thí điểm tại một số địa phương của một số đô thị lớn; phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa được phân loại tại nguồn.

Theo báo cáo từ các địa phương, một số đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt mức tuyệt đối 100% như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Trong khi, Hà Nội đạt khoảng 98% ở 11 quận nội thành, các đô thị loại 2, 3 đạt tỷ lệ thu gom khu vực nội thành từ 80-85%, ở các đô thị loại 4, 5 công tác này chưa cải thiện nhiều do nguồn lực hạn chế, phần lớn do các tổ hợp tác xã hoặc tư nhân thực hiện nên thiếu vốn đầu tư trang thiết bị...

Do vậy, mục tiêu quản lý tổng hợp các loại CTR của khu vực đô thị đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, CTR sinh hoạt đô thị phát sinh phải được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường lần lượt đạt các tỷ lệ 90% và 100%.

                                                                                                    Báo Tài nguyên và Môi trường 

Các bản tin khác :