Trang chủ » Tin tức

Tín hiệu đáng mừng trong quản lý chất thải rắn: Ghi nhận ở Thanh Hóa

Hiện Thanh Hóa có 26 dự án xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt và CTR công nghiệp thông thường đã và đang được đầu tư xây dựng, 2 dự án xử lý CTR công nghiệp và CTR nguy hại với tổng mức đầu tư 854,173 tỷ đồng. Công tác phục hồi môi trường các điểm xử lý, chôn lấp CTR bị ô nhiễm nghiêm trọng được Thanh Hóa đặc biệt quan tâm.


Kết quả thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy tổng lượng CTR sinh hoạt của thành phố, thị xã và các huyện trong tỉnh đạt từ 1.879 tấn/ngày năm 2010 tăng lên 2.203 tấn/ngày năm 2015; khối lượng CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn năm 2015 là 1.663 tấn/ngày và khu vực đô thị khoảng 540 tấn/ngày; tổng lượng CTR sinh hoạt toàn tỉnh trong năm 2015 khoảng 804.095 tấn. Tỷ lệ thu gom tại khu vực đô thị đạt 85%, khu vực nông thôn đạt 65 – 70%. CTR phát sinh từ Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN), làng nghề tương đương 490 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom đạt 90%. Công tác thu gom, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh hầu hết đều được thực hiện bởi công ty hoặc hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường.


Bãi rác Cồn Quán (TP Thanh Hóa) đã bị đóng cửa để xử lý triệt để ô nhiễm

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 26 dự án xử lý CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp thông thường đã và đang được đầu tư xây dựng, gồm 21 dự án xử lý CTR bằng công nghệ chôn lấp và 5 dự án xử lý CTR bằng công nghệ đốt. Trong đó: Dự án được hỗ trợ đầu tư từ ngân sách là 23 dự án gồm 18 khu/bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 5 cơ sở lò đốt; đã đưa vào sử dụng 15 dự án và 8 dự án đang triển khai xây dựng (5 dự án chôn lấp hợp vệ sinh, 3 dự án xử lý bằng công nghệ đốt); Dự án đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp có 3 dự án xử lý bằng công nghệ đốt theo hình thức xã hội hóa (2 dự án đã đi vào vận hành, 1 dự án đang triển khai xây dựng) với tổng mức đầu tư khoảng 236,253 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 2 dự án xử lý CTR công nghiệp và CTR nguy hại tại Khu kinh tế Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 854,173 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác phục hồi môi trường các cơ sở xử lý, chôn lấp CTR bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện 2 dự án cải tạo, phục hồi môi trường đối với 2 cơ sở xử lý, chôn lấp CTR và thực hiện đóng cửa 1 khu xử lý CTR gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là bãi rác sinh hoạt thị trấn Vĩnh Lộc; Xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cấp, giảm thiểu ô nhiễm tại bãi rác thị xã Sầm Sơn; Thực hiện đóng cửa bãi rác Cồn Quán (TP Thanh Hóa). Đồng thời, CTR y tế với khối lượng 10,932 tấn/ngày đêm năm 2015 cũng được phân loại ngay từ nguồn và thu gom đạt 100%, CTR y tế nguy hại được thực hiện đảm bảo kỹ thuật và an toàn về môi trường và xử lý đạt chuẩn 100%.

Qua gần 7 năm triển khai chiến lược, công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác quản lý CTR nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cần phải khắc phục một số tồn tại như: Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được quan tâm, dẫn đến nhiều khu chôn lấp sẽ quá tải trong thời gian ngắn, trong CTR sinh hoạt cũng có CTR nguy hại như pin, ắc quy, thùng sơn, đồ điện tử… đều được chôn lấp chung với CTR sinh hoạt, việc thu hồi các chất thải hữu cơ để chế biến thành phân compost còn mang tính chất manh mún. Ngoài ra, công tác quản lý, vận hành các công trình đã được đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số khu xử lý hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác không hoạt động do tuyến đường ống thu gom bị tắc nghẽn, hư hỏng; đại đa số các khu xử lý CTR chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong việc chôn lấp hợp vệ sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực xung quanh.

                                                                                                                          ANH TÚ (Theo Website Bộ TNMT)

Các bản tin khác :