Trang chủ » Tin tức

Ô nhiễm môi trường đô thị tiếp tục là bài toán khó

Sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị cũng như quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng đang tạo ra sức ép lớn, gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề hơn đối với môi trường đô thị. Đó là những vấn đề nổi cộm trong lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 chuyên đề “Môi trường đô thị” diễn ra hồi hạ tuần tháng 7-2017 tại trụ sở của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sức ép đô thị hóa
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhận xét: “Số lượng đô thị nước ta tăng nhanh chóng, mở rộng cả về quy mô lẫn diện tích. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được nhu cầu công cuộc đô thị hóa. Đô thị ở nước ta đều bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mảng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” (trích ghi nhận tại lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 chuyên đề “Môi trường đô thị”) Theo ông Nguyễn Văn Tài, thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng rất nhanh, nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức, nhiều khó khăn gặp phải do tác động của biến đổi khí hậu. Mức độ gia tăng nước thải đô thị ngày càng lớn, điển hình tại Hà Nội và TPHCM.


Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP xem công nghệ xử lý rác thải được trưng bày ở Hội trường Thành ủy TP.HCM (Ảnh: Ngọc Dương)

Tại nhiều đô thị như Hà Nội, TPHCM thì các kênh, mương, hồ nội thành đã trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất. Vấn đề ô nhiễm chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Những vấn đề môi trường đô thị nổi cộm được nhận định bao gồm: Ô nhiễm bụi duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm nước tại sông hồ, kênh rạch nội thành diễn biến phức tạp; ngập úng có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước ngầm và xâm nhập mặn ở đô thị ven biển; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đúng kỹ thuật còn thấp, công nghệ lạc hậu chưa phù hợp thực tế; vấn đề quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức.

‘Giải cứu’ 15 kênh, rạch ô nhiễm nhất TP.HCM
Mới đây Trung tâm chống ngập TP.HCM đề xuất thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm 15 tuyến kênh, rạch thuộc địa bàn quận 8, các huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này gần 200 tỉ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP.HCM. Thời gian thực hiện trong hai năm 2017-2019. Dự án nhằm đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng, hạn chế tình trạng ô nhiễm dọc kênh, rạch, đồng thời góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực thuộc phạm vi dự án, tham gia chung vào hệ thống chống ngập nước của TP.HCM.


Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP xem công nghệ xử lý rác thải được trưng bày ở Hội trường Thành ủy TP.HCM (Ảnh: MQ)

Theo đó, 15 kênh rạch của dự án, gồm có: Rạch Cái Trung (xã Tân Kiên, Bình Chánh); rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh); nhánh rạch Bà Lớn 3, rạch Su (xã Bình Hưng, Bình Chánh và phường 6, quận 8); nhánh rạch Bồ Đề (xã Bình Hưng, Bình Chánh và phường 5, quận 8); rạch Ông Cốm (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh); kênh số 6 (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh số 9 (xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh số 8 (xã Bình Lợi, Bình Chánh); kênh Xáng Ngang (xã Tân Nhựt, xã Bình lợi, Bình Chánh); kênh C (xã Tân Nhựt, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh); kênh B (xã Lê Minh Xuân, xã Tân Nhựt); kênh Liên Vùng (xã Phạm Văn Hai, xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn). Dự kiến tổng chiều dài các tuyến kênh rạch cần nạo vét hơn 64 km.



TP.HCM quyết liệt giải quyết rác thải đô thị
Tại kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP.HCM khóa IX mới đây, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM cho biết, kết quả khảo sát vừa qua của Ban Đô thị cho thấy, chất lượng nước mặt sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm, các chỉ tiêu TSS, DO, Coliform… không đạt quy chuẩn cho phép. Nước hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có chất lượng tốt nhất trong 5 hệ thống kênh, các hệ thống còn lại (Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ) vẫn bị ô nhiễm nặng. Hiện trung bình mỗi ngày, môi trường TP.HCM tiếp nhận 2,75 triệu m­³ nước thải/ngày. Trong khi đó, chỉ mới xây dựng được 1/12 nhà máy với tổng công suất xử lý 13,2% tổng lượng nước thải. Còn nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ giao thông, sinh hoạt khu dân cư và tiếng ồn từ hoạt động xây dựng chưa kiểm soát được.


Xe thu gom rác tự chế, xe rác “công ích” bốc mùi hôi thối chạy trên đường phố TP.HCM (ảnh: Đức Tiến)

Một điểm nóng khác về chất lượng môi trường là chất thải sinh hoạt. Từ khâu chủ nguồn thải đến hoạt động thu gom, xử lý đều tồn tại nhiều hạn chế. Tổng lượng rác phát sinh là 8.300 tấn/ngày và không được phân loại. Các chủ nguồn thải là hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, y tế, thương mại… dù đã được tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng hiệu quả thực hiện kém. Công tác thu gom cũng thiếu đồng bộ từ trang thiết bị đến quy cách thu gom. Tại nhiều khu vực, người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn nhưng lực lượng thu gom vẫn tiến hành thu gom chung, gây tâm lý tiêu cực trong cộng đồng. Câu chuyện từ 5 năm về trước Các thông tin nói trên dường như khá trùng khớp với nhận định được đưa ra hồi năm 2012 từ các chuyên gia của Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định sông Sài Gòn bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt.

Đây cũng là kết quả nghiên cứu hơn một năm của các chuyên gia Tây Ban Nha trong dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ - dự án kiểm soát nguồn thải phân tán dọc sông Sài Gòn. Khi ấy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn, ông Tomas, đại diện Công ty tư vấn IDOM của Tây Ban Nha, cho biết, cần phải thiết lập các trạm kiểm soát và tiêu chí về chất lượng nước sông. Muốn làm được điều này rất cần hành lang pháp lý. Quan trọng hơn cần xử lý những khu vực ô nhiễm về nước thải, rác thải, nguồn thải ô nhiễm. Cụ thể, phải xử lý triệt để những đơn vị bị phát hiện vi phạm xả thải; dự trù tài chính xây dựng hệ thống kiểm soát tiêu chí xả thải; kết nối nguồn thải của các cơ sở sản xuất nhỏ vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố; cập nhật giấy phép xả thải kết hợp với giới hạn mới đối với các chất thải ô nhiễm đặc thù tùy theo các mục tiêu và chất lượng môi trường tiếp nhận; tuân thủ nghiêm ngặt với giấy phép xả thải.

Với ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất là cần trang bị kiến thức cho nông dân để tạo thói quen tốt về sử dụng hợp lý lượng phân bón, canh tác đúng cách và giảm thiểu tối đa lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng loạt giải pháp được đặt ra vào 5 năm trước đây, cho đến nay tiếp tục được các cơ quan hữu trách ở TP.HCM từng bước thực hiện trong bối cảnh tìm kiếm nguồn vốn mỗi lúc thêm khó khăn. Đây cũng là một thách thức nan giải trong vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị.

                                                                                          THẢO VY (Báo Môi trường và Đô thị)

Các bản tin khác :