Trang chủ » Hoạt động công ty

Nâng cao ý thức của người dân để thực hiện thành công các mục tiêu về bảo vệ môi trường

Sau gần 3 năm triển khai, đề án thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đã nhận được phản hồi tích cực với tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 90% đối với chủ trương thực hiện đề án và 60% đối với chất lượng vệ sinh thùng rác. Tuy nhiên, Đề án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục cũng như để phù hợp với mô hình hoạt động mới của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, đòi hỏi UBND TP Đà Nẵng cần phải xây dựng Đề án mới để phù hợp với tình hình thực tế. Đây là nội dung của buổi làm việc do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì với các đơn vị liên quan về Đề án vào ngày 27-11.

Giảm thiểu ô nhiễm cục bộ trên đường phố

 
 Được triển khai thực hiện từ tháng 4-2012, Đề án thu gom rác thải theo giờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được thực hiện tại một số khu vực thuộc 6 quận nội thành, bao gồm các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu nhằm cải tiến hệ thống thu gom, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn. Cụ thể, thành phố đã thực hiện thu gom rác theo giờ bằng hình thức đặt thùng đối với 41 tuyến đường và 1 KDC số 3 Khuê Trung. Thực hiện thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép đối với 3 tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Phạm Như Xương, Phan Văn Định. Điều này đã giúp hạn chế trên 50% số lượng thùng rác đặt trên các đường phố khu vực nội thị, hạn chế tối đa trên 80% trên các con phố chính; việc thu gom chất thải rắn đạt hiệu quả tích cực với 90% được thu gom, xử lý. Điều quan trọng nhất là Đề án đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân, hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm môi trường cục bộ tại các vị trí đặt thùng rác trên đường cũng như bảo đảm mỹ quan đô thị do không còn tình trạng rác tồn đọng, quá tải ở các thùng rác trên các trục đường chính. Bên cạnh đó, Đề án cũng đã huy động được sự chung tay, chung sức của cộng động trong việc thu gom rác thải nói riêng và bảo vệ môi trường thành phố nói chung.
 
 
 Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và thực tế đã không đạt được tiến độ như đã phê duyệt là từ năm 2014 sẽ triển khai thu gom rác theo giờ trên toàn bộ 6 quận nội thị; tình trạng xe thu gom rác vẫn xuất hiện thường xuyên vào ban ngày, vẫn còn 1 số lượng lớn thùng rác đặt cố định cũng như các điểm tập kết thùng rác tự phát đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc đối với người dân tại khu vực, như ở trạm tập kết trung chuyển rác tại đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí hạn chế dẫn đến việc đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, nhân lực thiếu. Công tác tuyên truyền, thông tin cho người dân cũng được coi là chưa kịp thời, cũng như công tác giám sát, phối hợp giữa các địa phương, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, sát sao.
 
 Tăng cường công tác phối hợp thực hiện
 
 Một trong những vấn đề khó khăn nhất chính là phương tiện thu gom rác và phân loại rác tại nguồn. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, việc thu gom rác được thực hiện bằng những chiếc xe chuyên dụng nhỏ, gọn, tiến hành thu gom vào lúc sáng sớm và có các đợt thu gom rác thải rắn riêng. Để khắc phục các vấn đề còn tồn tại, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đã xây dựng phương án thu gom mới, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, tiến đến hạn chế 100% số lượng các thùng rác đặt cố định trên các tuyến đường thuộc quận Hải Châu và Thanh Khê, từng bước giảm dần việc sử dụng nhân công trong hoạt động thu gom rác, cải tiến hệ thống thu gom, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn… Theo đó, đề án sẽ được thực hiện tại tất cả 6 quận nội thành; điều chỉnh thời gian thu gom rác muộn hơn để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, thời gian đặt thùng rác từ 16-17 giờ; thực hiện thu gom rác và lấy thùng rác từ 23 giờ trở đi (thay vì từ 15-21giờ như hiện nay); việc thu gom bằng xe ba gác sẽ được tiến hành từ 17-24 giờ (hiện nay là từ 6-17 giờ); thu gom rác thải trực tiếp bằng xe cuốn ép được thực hiện tại 1 số khu vực thuộc các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ từ 7-17 giờ. Trong đề án mới này, UBND các quận sẽ được phân cấp cụ thể, chịu trách nhiệm phê duyệt thời gian, phương án thu gom rác do Công ty Cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng lập cho từng tuyến đường, khu vực làm cơ sở để đơn vị triển khai thực hiện thu gom rác phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn quận; đồng thời chỉ đạo Đội kiểm tra quy tắc quận và UBND các phường thường xuyên kiểm tra, giám sát.
 
 Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, việc triển khai thành công đề án thu gom rác theo giờ trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Đà Nẵng thành phố môi trường vào năm 2020”. Do đó cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tìm hiểu, tiếp nhận ý kiến của người dân để tham mưu cụ thể về thời gian, địa điểm thu gom rác; cũng như chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị triển khai tốt nhiệm vụ. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở Xây dựng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Công ty Cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng… phải tìm các vị trí đặt thùng rác cho phù hợp tại các địa điểm du lịch; đồng thời bổ sung đặt thùng rác tại một số tuyến đường mới, khu vực mới. Rà soát lại các vị trí trung chuyển rác, cũng như nâng cấp các trạm trung chuyển rác, không để các trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mất mĩ quan đô thị. Theo Phó Chủ tịch, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đây chính là vấn đề then chốt để thực hiện thành công các mục tiêu về bảo vệ môi trường. “Có nhiều người vừa đi xe máy vừa.. vất rác vào thùng. Tuy nhiên, những người “tài giỏi” ném trúng lại rất ít, còn lại là trúng vào đâu đó và rác tung tóe ra đường. Hay tại nhiều nơi, người dân, các nhà hàng rất ý thức, bỏ rác vào túi buộc chặt, để gọn gàng, đúng quy định, nhưng những người làm nghề ve chai lại tháo ra, đào bới rồi không thu gom lại” – Phó Chủ tịch đưa ra một số dẫn chứng và đề nghị các ngành chức năng cần có giải pháp xử lý đối với các hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người dân.
 
 Việc tăng phí vệ sinh trong năm 2016 cũng được đề cập đến, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty CP Môi trường đô thị cần xây dựng lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với mô hình hoạt động mới là công ty cổ phần, vừa nằm trong khả năng chi trả của người dân; đồng thời vẫn bảo đảm các hoạt động công ích do thành phố giao, xin ý kiến của HĐND TP quyết định.
 
 NGỌC THỦY (http://www.danang.gov.vn/)

Các bản tin khác :